Lúc vừa bước vào động Thiên Đường, ngắm nhìn ngồn ngộn những nhũ đá chảy từ trên xuống và măng đá trồi từ dưới lên phô trương diêm dúa trong ánh đèn đủ màu của khu du lịch, bạn dẫn tour của Farm Stay mãn nguyện nói rằng :” đấy, những cái gì kết hợp giữa thiên nhiên và bàn tay con người là tuyệt vời nhất anh nhỉ?”. Trong bóng tối nhập nhoạng bị nhào trộn như quán bar disco hay tệ hơn là như trong mấy khu du lịch rẻ tiền 7 tầng địa phủ, mình quăng thẳng một ánh nhìn không thể bất mãn hơn với anh chàng đó và cảm thấy lãnh cảm với những khối thạch nhũ đáng lẽ ra đã rất đẹp xung quanh.
Du lịch, có nơi được quy hoạch để trở thành du lịch quần chúng, như động Thiên Đường, bỏ ra 250 nghìn, đi bộ tí chút (hoặc lười đi bộ ư đã có xe điện giá chỉ 25k một người) bạn sẽ được mãn nhãn với trưng bày mà loại hình du lịch này sắp đặt ra; có nơi thì được quy hoạch để trở thành du lịch mạo hiểm để số lượng người tham quan được hạn chế và kiểm soát chặt chẽ, vì những nơi này cần được bảo tồn, muốn đến được bạn phải bỏ tiền và công sức leo đồi vượt núi để chiêm ngưỡng được vẻ đẹp hoang sơ mà thiên nhiên nghìn năm gầy dựng, như Sơn Đòong. Mình chả lên án du lịch quần chúng hay động Thiên Đường như ở trên, chuyện đó hợp lí, nhưng thật bất mãn với suy nghĩ của đại đa phần dân Việt Nam, nghĩ rằng tất cả những gì đẹp đẽ của đất nước này, cần được mổ xẻ, gắn cáp, đặt cầu thang, hành lang và đèn chớp, wifi và quầy ăn uống, để tất cả những người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật, những người lười vận động đều có quyền tham quan và chiêm ngưỡng. Nói chung nói theo kiểu xã hội chủ nghĩa thì tất cả những vẻ đẹp ấy là vẻ đẹp quốc dân, cần được toàn dân hưởng thụ.
Câu chuyện về cái cáp treo Fansipan bạt hết cả mảng rừng trúc, nổ núi phá đá và huỷ hoại rừng đỗ quyên để nhà nhà được lên nóc nhà Đông Dương với tấm vé 600k phân định dân mình chủ yếu thành ba loại. Loại một hết sức phản đối, loại hai hết sức ủng hộ, loại ba hoàn toàn bàng quan. Gom lại thì loại hết sức ủng hộ luôn chiến thắng, vì loại hoàn toàn bàng quan (đông nhất) luôn lãnh đạm với sự đấu tranh. Vì vậy mà Sơn Đòong hiện nay đang được khảo sát để đặt cáp treo, và tiếng nói phản kháng lên án của những người tiếc thương cho thiên nhiên luôn yếu ớt chìm lìm trong khát vọng đồng tiền của những tập đoàn lớn.
Khoan bàn về chuyện đúng sai dây dưa, để mình dẫn bạn nghe câu chuyện hai ngày một đêm của mình ở Hang Én, hang động lớn thứ ba thế giới, nằm kế Sơn Đòong cũng là hang động lớn nhất thế giới, nằm trong quần thể vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng ở Quảng Bình, rồi biết đâu bạn sẽ hiểu được tại sao luôn có những người sống và làm việc chả liên quan gì đến những nơi hóc bà tó miệt xa xa, mà họ sẵn sàng đấu tranh và đau lòng khi thấy những nơi ấy bị huỷ hoại.
…
Giới thiệu sơ nét chút, quần thể Phong Nha Kẻ Bàng là một quần thể vườn quốc gia bao gồm rừng núi, sông ngòi và hang động trên một khu vực núi đá vôi rộng lớn thuộc tỉnh Quảng Bình(khu vực này được chia sẻ phân nửa bởi Lào), cách thành phố Đồng Hới 50km.
400 triệu năm trước vào thời Đại Cổ Sinh, khu vực này được kiến tạo bởi những hoạt động địa chất mãnh liệt, động đất, va chạm giữa những mảng lục địa và khối đứt gãy dẫn đến khu vực nằm dưới đáy biển nhô cao thành núi. Những mảng đứt gãy được tạo ra, núi lửa phun lên biến chất đá vôi thành vôi sống, nước luồn theo khe nứt cuốn trôi đi, đứt gãy ngày một lớn, nước ngầm chảy qua ngày một mạnh tác động bào mòn thành những hang động chúng ta có ngày nay. Và chính nước đổ từ trên xuống qua những khe nứt mang theo đất đá vôi hình thành những khối thạch nhũ nghìn năm trong hang động. Năm 2009 , hiệp hội hang động Hoàng Gia Anh khám phá ra hang Sơn Đòong ( the mountain river cave) với sự giúp đỡ của ông Hồ Khanh (vốn đã khám phá ra hang từ năm 1991), được công nhận là hang động lớn nhất thế giới. Còn Hang én (swallow cave) được khám phá 1994 là hang động lớn thứ ba, sau Sơn Đòong và hang Deer ở Malaysia.
Với sự giám sát và công nhận của hiệp hội hang động hoàng gia Anh, Oxalis là đơn vị điều hành du lịch Việt Nam duy nhất được cấp phép khai thác du lịch mạo hiểm ở hang Én và Sơn Đòong. Bắt buộc mọi hành động tiếp cận hang mục đích du lịch đều được tổ chức với Oxalis, nên bạn không thể tự đi và cũng không có lựa chọn nào khác. Tham khảo trang web của Oxalis tại đây để biết thêm toàn bộ chi tiết.
Với tour Khám phá hang én 2 ngày 1 đêm, giá 6tr5, là cấp thứ 3 trong 6 cấp độ khó của Oxalis, tổng độ dài trekking là 22km cho cả hai ngày, nếu bạn từng leo Fan hay ít hơn là leo Langbiang thì yên tâm bạn đã dư sức với hang Én. Bạn cần book sớm để có chỗ, mỗi tuần có tour khá thường xuyên, và tour chỉ hoạt động từ cuối tháng 12 đến hết tháng 8 hằng năm (các tháng còn lại Hang én bị ngập). Dịch vụ của Oxalis dù hơi đắt so với các tour trekking mình từng đi, nhưng phải công nhận là rất tốt, tốt nhất cách mà họ giữ du lịch phát triển bền vững bằng cách thu gom hết rác và bảo tồn hang động.
Vậy cơ bản thì kế hoạch cho Phong Nha gọn nhất là như thế này:
- Ngày một : sáng bay đến Đồng Hới (mình bay vé 11k của Jetstar, canh book giá rẻ vì bình thường giá hơi đắt), di chuyển vào Phong Nha (đi bằng xe thuê của khách sạn giá 500k, đi xe buýt thì 33k một người hai tiếng có một chuyến), lấy phòng khách sạn (nhớ book trước vào mùa cao điểm), tham quan động Phong Nha và Tiên Sơn bằng thuyền (giá vé xem ở đây), ngủ một đêm ở Phong Nha.
- Ngày hai : Xe của Oxalis pick up bạn lúc 8h – 8h30, họ đưa về trụ sở phổ biến vài thứ và bắt đầu trekking lúc 10h30, đến 3h-4h sẽ đến hang Én. Ăn uống sinh hoạt cắm trại tại khu cắm trại trong hang.
- Ngày ba : Sáng sớm ăn sáng nhẹ xong đi một vòng Hang Én, đến cỡ trưa bắt đầu trekking về, về tới nơi cỡ 4h30, trả về khách sạn tầm 6h. Ngủ đêm ở Phong Nha.
- Ngày bốn: Tham quan động Thiên Đường (250k tiền vé), miếu Tám Cô, hang Tối ( cái này nên đi, 350k tiền vé). Ngủ đêm ở Phong Nha (hay trở về Đồng Hới, hoặc bay về nhà nếu kịp).
- Ngày năm: thư thả đi về (bằng xe buýt), nếu gấp có thể đôn qua tối ngày 4 về cũng không sao. Hoặc tham quan động Phong Nha – Tiên Sơn nếu ngày đầu không đi kịp. Dù gì cũng chừa thời gian cho máy bay delay chứ lị. :))
Chi phí tất tần tật thì tầm khoảng 9 triệu hơn nếu mua được vé máy bay giá rẻ như mình.
Về khách sạn, book được Easy Tiger là xem như vui luôn, chỗ này nằm giữa Phong Nha, có nhạc xập xình, Tây dập dìu tấp nập. Nhưng phòng thì hay hết, giá cả cũng hơi cao, nên bọn mình đã dạt ra hơi xa, ở tận gần … Oxalis, khách sạn tên là Green River Guest house, giá liên hệ trực tiếp 091 2668760 là 400k phòng hai giường đôi view nhìn bờ sông luôn (phòng mới, wifi nước nóng đầy đủ). Đồ ăn cô chủ nhà nấu cũng khá ok, giá vừa phải, mấy ông hiệp hội hang động tối hay đạp xe ra đây ăn tối luôn nà ( ở đây thấy đặc sản nhất món muối ớt lá chanh, dùng để chấm, mình mê quá mua cả hộp mang về). Muốn tham quan Hang Tối, động Thiên Đường này kia thì book xe máy 120k/ chiếc mở GPS tự đi nhe, đừng book tour phí tiền (còn ai không biết chạy xe máy thì thôi đành book tour của Farmstay nếu cần, giá 1tr350k nguyên ngày).
Để chuẩn bị vận dụng, Oxalis sẽ phát cho mình:
– Một bình nước rỗng để họ cấp nước trên đường (hơi nặng nếu được thì mang chai nhựa của bạn cho nhẹ).
– Một túi chống nước (bạn bỏ hết đồ vào túi này và nhét vào trong balo nhỏ của bạn đề phòng té sông ướt đồ).
– Một đôi giày trekking kiểu bộ đội ( giày kiểu keo Fansipan cổ cao đế siêu bám nhưng hơi cứng, nên mang vớ cao và nhét lai quần bên trong giày để tránh cọ xát cổ giày với chân chảy máu, vấn đề là đi Hang Én rất ướt nên tốt nhất là mang giày của Oxalis nếu không muốn mấy hôm sau giày của bạn ẩm và hôi)
– Một mũ bảo hiểm và đèn pin gắn đầu. (mũ máng vào sau balo còn đèn pin giữ kỹ trong balo hén)
– Bao tay : chống bùn, bám dính để leo.
Bạn cần chuẩn bị thêm:
– Một cái quần thể dục vải dù mỏng mau khô (ko mặc quần jean không là chìm dưới sông luôn nhe), một áo khoác nếu đi mùa lạnh, hai cái áo thay phiên (tốt nhất là dài tay tránh quẹt trúng lá độc hay côn trùng cắn), một quần ngắn tối ngủ, vớ dài, một khăn tắm và đồ dùng cá nhân (bớt mang mấy cái dầu gội sữa tắm xà bông này kia đi ở trong hang ko có phòng tắm nha, nhưng hãy mang kem chống nắng, toner, kem dưỡng như Quốc =)))))) )
– Áo mưa phương tiện.
– Các thể loại kẹo ngọt, chocolate, bánh ngọt để hồi đường nếu bạn yếu.
– một đôi dép nhỏ đi bộ trong khu cắm trại (mình đi chân đất cho đỡ nặng balo).
Điểm cần lưu ý là toàn bộ tour guide đều giao tiếp bằng tiếng anh là chủ yếu, vì quá hiếm người Việt tham gia trekking, đến mức mấy ông porter còn bất ngờ ủa có người Việt đi nữa hả (thấy có chút hổ thẹn cho sự lười vân động của dân mình ).
Vậy thôi, cứ thế mà lên đường, tiền thì eo hẹp cũng được, quan trọng là … chịu đi! 😀
Sáng sớm dậy sau một đêm lạnh tê tái ở nhà nghỉ, nhìn ra ngoài cửa sổ thấy bờ sông Son trong veo nằm lờ lững dưới một bầu trời đầy sương mù. Mình hơi méo mặt, lạy trời không mưa, không thì biệt danh thánh Mưa thánh sương mù chết tên dài dài.
Dù vậy, Phong Nha vẫn đẹp yên bình lạ thường. Sông Son đến mùa sẽ có màu đỏ son như son môi phụ nữ, còn mùa của tụi mình nước màu xanh ngọc trong veo.
Ăn sáng xong vừa vặn thì xe của Oxalis đến đón, hành lí hôm trước tụi mình đã soạn sẵn, một túi balo nhỏ mang những gì cần thiết để trekking, còn bao nhiêu bỏ balo bự gửi Oxalis.
Xe chạy vèo 5 phút tới Oxalis và buổi phổ biến briefing bắt đầu. Họ giới thiệu sơ về hệ thống hang động, tour trekking, những gì cần lưu ý và luật lệ kèm theo. Lúc này họ phát luôn cả giày, túi chống nước, bình nước, mũ bảo hiểm, đèn pin, găng tay …
Sau khi chuẩn bị xong xuôi, gửi hành lí cho Oxalis, xe chở cả đoàn 12 người cùng 2 bạn guide và porter đi trên đường Trường Sơn vào rừng quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Tour guide của tụi mình một bạn tên Kiên nói tiếng anh rất sõi, giới thiệu tường tận về đường Trường Sơn, về chiến tranh và bom đạn cho mấy bạn Tây cùng biết.
Điểm khởi hành là đây. Lúc đó khoảng 11h. Bắt đầu có vẻ đầy sương khói. :))
Khác với leo núi, ngày đầu bạn leo lên ngày sau leo xuống, hang Én ngày đầu leo xuống ngày sau leo lên. Đoạn đường rừng này mất cỡ một tiếng hơn để xuống dốc. Thời tiết cũng mát mẻ nên nói chung là khá khoẻ. Có con bạn đi chung thì chưa quen vận động nên bị choáng váng, nói chung trước khi trekking đường dài bạn nên có sự chuẩn bị thể lực.
Đừng tránh nước sợ ướt giày như mình chi mắc công, kiểu nào hồi sau cũng ướt tới háng :))
Đi chưa thấm mệt là đã tới nơi ăn trưa. Bữa trưa khá thịnh soạn. À quên nói về đồ ăn, thực đơn các bữa đều khá phong phú, dù bạn ăn chay hay kiêng cử gì cũng không lo.
Bánh ướt, bánh mì cuốn thịt leo luộc và rau chấm nước mắm, chuối và quýt tráng miệng. Siêu được, đói ăn gì cũng ngon !! Khi ăn lưu tâm đến xung quanh, vắt có thể bò lên bất cứ lúc nào. :-S
Từ chỗ ăn trưa đi một đoạn là đến một ngôi làng người dân tộc sống giữa rừng. Tour guide có dẫn đi dạo một vòng quanh làng, từ nhà trưởng làng đến trường học và bếp núc này kia.
Từ đây toàn đường bằng, băng qua băng lại con sông, khá dễ chịu. Nhưng vào mùa mưa nước có thể dâng cao chảy xiết, vào mùa lũ thì thôi khỏi vào. Đây là lí do vào độ tháng 8 – tháng 12 Oxalis đóng tour, con đường trekking ngày hôm ấy thật ra lòng sông mùa lũ, nước chảy xiết kéo theo những thân cây lớn nằm rải rác dọc đường. Bản thân Hang Én nằm ở hạ nguồn cũng ngập trong nước (nhờ vậy mới có hang to thế).
Nước hơi xiết ở đôi chỗ, đá cũng trơn nên phải cẩn thận không té ngã ướt máy ảnh. Đoạn trekking này khoảng 2 tiếng là tới miệng hang, thấy không tính ra trekking cũng có 4-5 tiếng toàn đường bằng có chút xíu à dễ đi lắm đi đi.
Miệng hang lớn ở xa xa. Hang Én được khám phá năm 1994, nhưng thật ra người dân tộc thì từ xưa đã biết tới hang này, vì trong hang có chim én sống (swift) và theo phong tục địa phương họ tới đây lấy trứng hay tổ gì đó mình nghe không rõ để làm lễ, phải nói thêm là cách dịch thành swallow cave (hang Yến) không chính xác lắm.
Tới gần miệng hang thì bạn sẽ đi vòng qua cửa hang ở kế bên để đi vào. Lúc này cả đoàn dừng lại để guide phổ biến nón bảo hiểm và đèn pin đeo đầu.
Từ miệng hang vào trong khoảng nửa tiếng sẽ tới khu cắm trại. Đường toàn đá, trong bóng tối cần cẩn thận cân nhắc bước chân nếu té thì … phải đến trực thăng mới đưa bạn ra. Đoạn trekking này làm mình bồi hồi nhớ lại núi Ijen ở Indo mình từng trek, đường cũng đá hiểm trở, nhưng ở Ijen lại còn khói núi lửa mùi trứng thối vừa độc vừa cay mắt, điểm chung của cả hai là vượt qua những gian khổ đó, kho báu nằm tận cuối con đường đẹp đến nao lòng.
( Tấm sau cùng bị out nặng lại là tấm duy nhất, sorry ! )
Nếu ở Ijen là một rừng lửa màu xanh giữa đêm tối, thì ở hang Én là một bờ cát dài uốn lượn quanh con sông màu ngọc lục bảo, nằm gọn trong một khoảng không gian hang động rộng lớn đến không ngờ. Hang Én đã to vậy rồi, Sơn Đòong chắc còn khủng khiếp hơn nữa. Sẵn đề cập chuyện máy ảnh, mang theo gopro được là quá tốt với chuyến hành trình nhiều nước, nhưng khi về tới nhà ảnh đẹp nhất vẫn thuộc về máy dslr, nên dù nặng nhưng hãy cố vác theo nếu bạn mê chụp hình đi chơi như mình.
Sông trong hang khá sâu, sâu nhất tới 10m, nên có mấy đoạn bắc cầu qua. Cứ đến mùa lũ, nước ngập hết toàn bộ hang, cuốn trôi tất tần tật, nên khi nước rút và quay lại thì mặt bằng hang sẽ thay đổi gần hết. Hồi trước nghe kể trong hang nước sông chia làm hai dòng nóng lạnh, nhưng sau mùa mưa năm rồi hai dòng đã hoà vào nhau lạnh ngắt. Nghe bảo có năm mất luôn bãi cát, người ta phải kéo cát bồi lên cao chút để cắm trại.
Khu cắm trại nè, lần đầu tiên đi cắm trại được ở một mình một lều, thật sang chảnh, túi ngủ đệm mỏng gối nằm trong lều đều sạch sẽ, hôm sau thấy họ cuốn về mình mới biết họ giặt mỗi ngày. Còn chuyện toilet, có tới hai toilet dã chiến bồn kiểu nhà hay dùng và dội bằng vỏ trấu khá sạch sẽ, có greengross rửa tay sau khi hành sự. Đây là dịch vụ vệ sinh tốt nhất tour trekking đạt được mình đã trải nghiệm tới nay. T_T
Mình xí ngay lều bên trên ngoài cùng, góc nhìn hạng nhất cho cả miệng hang và dòng sông. Quá tuyệt !!
Đến nơi có ngay trà nóng và cà phê nóng phục vụ, đi trekking mà sang chảnh ghê. Uống ly trà gừng thấy đã gì đâu là đã. :3 Hôm tụi mình đi trời hơi lạnh, tuy nhiên khi thấy mấy bạn tây lao xuống sông tắm thì mình cũng nhắm mắt lao theo, vì mắc tắm quá rồi. Trời ơi nước lạnh tê tái, nhưng quen rồi thì ta nói siêu đã. Đâu phải lúc nào bạn cũng được bơi ở một nơi đặc biệt như vầy đâu, nên cứ liều thôi. Nói vậy chứ nước cũng hơi sâu, bước ra chút là mình đã hụt chân rồi. Bạn guide tên Kiên rất cừ mặc mỗi quần xì bơi thẳng qua kia sông, nhảy ùm từ mỏm đã xuống trong tiếng hò reo của mấy bạn Tây. Mình cũng muốn cool vậy lắm mà thôi bánh bèo biết lượng sức :))
Bữa tối siêu thịnh soạn : cơm, thịt heo nướng, bắp cải xào chay, rau muống xào, đậu cô ve xào thịt, khoai tây chiên, gà nướng, bò hầm cà rốt/ bò xào hành tây, đậu hũ sốt cà chua. Nhiều kinh khủng, đói quá nên vừa ngồi vào là mình muốn ăn ngay lập tức, dù tiệc còn chưa bắt đầu haha.
Ăn xong bữa tối ngày hôm đó, mình nán lại bên bếp lửa ấm trò chuyện với mấy bạn guide và bạn chung đoàn. Mỗi người một câu chuyện, nhưng câu chuyện đáng chú ý nhất là của một bạn nữ tầm 20 tuổi đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội. Bạn đó biết đến Việt Nam thật ra là từ Sơn Đòong, vì quá thích nên đã dọn hẳn sang Việt Nam sống, và giờ đây bạn đang ở đây, hang Én, cách Sơn Đòong 2km, và chắc chắn sẽ quay lại để thực hiện ước muốn của bạn. Đắng lòng mà nghĩ lại, rất rất nhiều trong số bạn bè người Việt khi hỏi ra không biết Sơn Đòong hay hang Én là gì, và nó nằm ở đâu trên bản đồ Việt Nam này (có người còn nghĩ Sơn Đòong nằm dưới chân fansipan còn Quảng Bình nằm ở miền Bắc). Vì một khi người ta không quan tâm, không thấy tự hào, người ta buông lơi ai muốn làm gì thì làm với nơi ấy. Vòi bạch tuộc từng ngày thò ra huỷ hoại từng nơi, và sự vô tâm là nhiên liệu tiếp tay cho những tập đoàn ấy tiến tới hằng ngày. Khi tin tức khảo sát cáp treo Sơn Đòong được phanh phui, báo chí nước ngoài lên án, Unesco tuyên bố kịch liệt phản đối đòi rút danh hiệu kì quan thiên nhiên và kì quan sinh thái, thì báo Việt Nam đường hoàng đưa tin tổng cục du lịch Việt Nam ủng hộ xây cáp treo Sơn Đòong. Một đất nước nghèo không thể nào thoát nghèo bằng cách đốt cháy thiên nhiên ngắn hạn như vậy. Trái đất tốn bốn trăm triệu năm kiến tạo nên hang, hàng nghìn năm để bồi đắp từng cm thạch nhũ, con người sau hơn 10 năm khám phá đã đòi bạt rừng, nổ núi để đưa du lịch vào tận giữa hang…. chỉ nửa giây thôi, bạn có thể bẽ gãy một nhánh thạch nhũ, nhưng thời gian để kiến tạo lại nó bạn nghĩ mất bao lâu?
Khuya đó ai về lều nấy, mình ngồi một mình trước lều cắm trại và nhìn mãi lên trần hang gồ ghề bởi những mảng đá đứt gãy, lúc này trông như một bầu trời đêm với những dải mây bất động. Trải nghiệm cắm trại dù không nhiều, cũng đủ nếm trải kha khá các kiểu khác nhau. Nhưng đây là lần đầu tiên cắm trại trong hang, lại là hang cực lớn. Vào lúc đó, mình biết rằng đây lại là một trải nghiệm quý giá đời người mà sau này mình sẽ không quên được.
Đi nhiều tôi luyện cho mình khả năng sống với sự cô đơn. Hồi còn trẻ trâu, cô đơn là liều thuốc độc, tới cơn là quằn quại, đau khổ, buồn bã, làm quá cả lên. Còn đến ngày hôm ấy, lúc nghe gió lạnh thổi tốc từ sâu trong hang, mọi thứ chìm trong im lặng và tối tăm, cô đơn với mình đã đổi thay thành sự an nhiên và bình thản, như một người bạn chả thể nào cách xa. Và mình thấy ổn với cảm giác đó.
Rồi cũng chìm vào giấc ngủ trong cái lạnh tái tê của hang, những gì tuyệt vời để dành cho ngày mai.
Đọc tiếp phần hai ở đây.
One Reply to “Hang En P.1”