Chiếc xe của tụi mình đi từ sáng sớm đến lúc nắng khuất hẳn sau những dãy núi xa, đi từ những con đường nhựa có bờ taluy bê tông chỉn chu đến những con đường sỏi đá được đặt vội những viên đá sơn trắng dọc theo biên giới giữa đường đi và vực thẳm. Hàng dặm cây số không một ngôi nhà, không một đô thị, xa xa những con đường hoang hoá đang nằm giữa cuộc giằng co quyết liệt của thiên nhiên vùi lấp và sự ngoan cố của con người, nơi nào con người tạm thời thành công thì thoải mái ngồi trong xe ngắm nhìn núi đồi, nơi nào thiên nhiên chiến thắng thì tụi mình giật lắc theo từng nhịp bánh xe vấp đá. Khi nào xe nghiêng hẳn góc 45 độ, nhìn xuống cửa sổ xe thấy vực thẳm hun hút, tụi mình hú lên dồn về phía còn lại để khỏi lật luôn xe. Âm nhạc Ấn Độ rộn ràng và âm nhạc Việt nhạc Tây thay phiên nhau chêm vào những lúc mãi say lòng với cảnh đẹp ngoài kia, hoà âm cùng tiếng rầm rầm của chiếc xe dằn trên đường đá. Gần 13 ngày đã trôi qua như thế. Nhưng mà vui. Giờ nhắm mắt nhớ lại, dù chỉ còn là những kí ức không còn vẹn nguyên, nhưng những con đường cheo leo, những thung lũng bạt ngàn, những thảo nguyên bát ngát, những con sông xanh ngọc, những đỉnh núi tuyết trắng, những đàn bò Yak, nụ cười hồn hậu của trẻ em trên những ngôi làng cao, mùi nhang trầm trong những đền đài, mùi trà sữa Chai, mùi cà ri và bầu trời xanh thẳm trong veo cao vời vợi vẫn nằm yên trong tâm trí mình, để đánh dấu những ngày rong ruổi chạy trốn những cũ mòn hằng ngày để đón lấy tự do lộng gió trong tim mỗi người.

India-Map

– GIỚI THIỆU CHUNG –

Ladakh ( the land of high passes – vùng đất của những con đèo cao) là một phần của khu tự trị Jammu & Kashmir, biên giới cực Bắc của Ấn Độ, và là khu vực biên giới tranh chấp nóng bỏng giữa phía Tây là Pakistan và phía Đông là Trung Quốc. Trước ngày tụi mình đi, Ấn Độ điều hàng loạt xe tăng cốt thép đến biên giới giáp Trung Quốc, tiếng súng vẫn nổ ra thường xuyên ở Kashmir giữa hai bờ biên giới không phân định. Được bao bọc giữa muôn trùng dãy núi hiểm trở, Ladakh như một thánh địa bình yên nằm cách biệt mang đậm văn hoá phật giáo Tây Tạng. Khi nghe đi du lịch Ấn Độ, mọi người dễ nghĩ ngay đến sông Hằng và những phức tạp xã hội cướp giật, hiếp dâm các thứ. Nhưng những điều này ít xảy ra ở Ladakh, nơi những người Tạng lưu vong ngày trước vượt biên giới về đây sinh sống và bồi đắp cho khu vực này bề dày văn hoá đậm chất Phật Giáo.

IMG_6011 Về lịch sử, Ladakh từng là một phần của Tây Tạng, rồi lại tách ra thành quốc gia độc lập tên là Mughal, rồi lại sụp đổ và nhập về Tây Tạng, cuối cùng 1947 được nhập về thành một phần của tỉnh Jammu & Kashmir dưới sự quản lí của Ấn Độ. 1950, Tây Tạng bị Trung Quốc xâm lược, hàng ngàn người Tây Tạng cùng Dalai Lama ( Đạt La Lạt Ma) vượt biên tìm về đây qua nhiều con đường, mà nổi tiếng là con đường băng mùa đông trên mặt hồ Pangong. Vì vậy, khi đến đây, bạn dễ thấy lẫn giữa những người Ấn Độ gốc, và thậm chí gốc Ả Rập là người gốc tạng có đôi mắt nhỏ và làn da vàng sậm.

IMG_8640

Himachal Pradesh ( tên khác là Deva Bhoomi -vùng đất của các vị thần ) thì lại có lịch sử thuộc về Ấn Độ, từng nắm dưới sự xâm lược của Anh ( người Anh và các thể loại thực dân không tấn công Ladakh và Tây Tạng, chủ yếu chắc do bị sốc độ cao haha). Người dân ở đây chủ yếu là người Hindu, đây là cửa ngõ, biên giới giữa vùng thấp và khu vực núi cao, trải dài từ 450m đến 6500m, cũng là lá chắn đón gió mùa ẩm từ phía Tây Nam nên khí hậu ở đây khá độc đáo ( mình sẽ kể sau). Chỉ biết là, ở Himachal Pradesh có một phần tiếp nối rất giống Ladakh đó là Spiti valley, nơi có rất nhiều khung cảnh thiên nhiên đẹp rớt tim và cũng như nhiều đền đài phật giáo linh thiêng, nên để quyết một lần đi cho đã, bọn mình đã vượt đường xa xuống đây. Và không hối hận một chút nào. 🙂 Bản thân Spiti valley cũng từng một thời là những tiểu quốc với nhiều triều đại, gần với thời hiện đại nhất là Lahyul-Spiti, từng thâu tóm cả ladakh vào trong mình nhưng sau đó bị thực dân Anh đánh bại.

Vì đặc điểm văn hóa và chính trị phức tạp đó, trong sê-ri những bài blog này mình sẽ liệt kê những lưu ý quan trọng mà nếu muốn đi bạn cần nắm rõ, để không mình, đi qua quá trời sai lầm để về đây có bài blog này đây haha.

Screen Shot 2016-10-06 at 10.53.49 AM

– LỊCH TRÌNH CHO 13 NGÀY –

  • Ngày 1 (thứ tư 21.9): bay từ Sài Gòn – BKK ( chuyến 11:40 đến 13:10 Vietnam airline). Transit 7 tiếng. Từ BKK – Delhi (20:10 đến 23:20 giờ Ấn bay với Jet airway, là 4 tiếng rưỡi giờ bay vì Ấn đi trễ 1 tiếng rưỡi với giờ BKK). Di chuyển sang sân bay nội địa bằng bus miễn phí.
  • Ngày 2 (thứ năm 22.9): Bay từ Delhi – Leh (5h15 – 6h30 giờ Ấn Độ hãng Go Air). Book tour 5 ngày của Yama adventure. Nằm nghỉ chống sốc độ cao đến chiều. Tham quan Shanti Stupa, Namgyal Tsemo gompa, Leh Palace & Leh Town nếu đủ khỏe. Qua đêm ở Sangto villa.
  • Ngày 3 (thứ sáu 23.9): Đi xe đến thung lũng Nubra valley . Tham quan làng Hundar. Cưỡi lạc đà. Qua đêm ở Nubra Organic Retreat.
  • Ngày 4 (thứ bảy 24.9): Trở về Leh. Ghé tham quan Diskit monastery. Qua đêm ở Sangto villa.
  • Ngày 5 (chủ nhật 25.9): Đi đến hồ Pangong và về trong ngày. Qua đêm ở Sangto villa.
  • Ngày 6 (thứ hai 26.9): bắt taxi hoặc bus đi Manali lúc 5am. Ngủ đêm ở Keylong.
  • Ngày 7 (thứ ba 27.9): 11am đi Manali 5pm tới, ngủ đêm ở Manali.
  • Ngày 8 (thứ tư 28.9): Book tour 4 ngày của Spiti Holiday Adventure. Di chuyển đến Kaza. Ngủ đêm Kaza
  • Ngày 9 (thứ năm 29.9): KAZA , tham quan TABO monastry – DHANKAR thủ đô cổ đại của Spiti, trek đi xem hồ Dhanker Lake màu ngọc bích. Ngủ đêm ở Kaza.
  • Ngày 10 (thứ sáu 30.9): KAZA – KI MONASTERY – KIBBER – KOMIK – LANGZA. Ngủ đêm ở Langza.
  • Ngày 11 (thứ bảy 1.10): KAZA – CHANDRATAL lake hồ mặt trăng – MANALI. Ngủ đêm ở Manali.
  • Ngày 12 (chủ nhật 2.10): Sáng bắt xe buýt đi Kullu. Bay về Delhi, (8h15 – 9h35 giờ Ấn Độ bằng hãng Air India) chờ chuyến bay về BKK. Bay chuyến khuya lúc 13:20 giờ Ấn Độ.
  • Ngày 13 (thứ hai 3.10): Về đến BKK 4:55 giờ VN, transit 6h25p , bay BKK về VN 11:20 – 12:50.

Lịch trình là vậy, nhưng đến lúc đi mới thấy có chút sai lầm ở khúc giữa, mình sẽ giải thích sau, nên đã chỉnh lại thành :

  • Ngày 6 (thứ hai 26.9): Nghỉ ngơi một ngày nữa ở Leh. Đi chợ. Ăn uống, nghỉ xả hơi. Ngủ ở khách sạn khác vì Sangto hơi đắt.
  • Ngày 7 (thứ ba 27.9): 6am đi xe thuê của Yama đi Zispa, nằm cách Keylong 20km.
  • Ngày 8 (thứ tư 28.9): Book tour 4 ngày của Spiti Holiday Adventure. Từ Zispa di chuyển thẳng đến Kaza. Ngủ đêm Kaza

– SƠ LƯỢC –

Tất cả những chi tiết thuộc về tips, tour, AMS, chi phí các thứ mình sẽ để dành ở bài viết cuối cùng. Còn ở đây, để các bạn có cái nhìn khái quát về những gì sắp kể, thì mình tóm gọn lại là khu vực Ladakh và Spiti valley đều nằm trên nóc nhà thế giới, Himalaya. Độ cao của Leh là 3500m được xem là thấp nhất khu vực, trong khi đó ở đỉnh Fansipan cao nhất Việt Nam chỉ mới 3143 m. Ở những nơi như những đỉnh đèo 5359 m, Pangong lake 4249m, Komik village 4580m là vượt ngưỡng trung bình của hội chứng Accute Mountain Sickness (AMS) khá nhiều. AMS là hội chứng khó chịu độ cao của cơ thể phản ứng từ độ cao 3000m trở lên. Triệu chứng thường là nhức đầu vừa vừa đến dữ dội, ói, chóng mặt, chảy máu cam, khó thở, nặng có thể viêm não, viêm phổi, hoặc chết. AMS có thể xảy ra với bất cứ ai (như mình), và để làm quen với độ cao này thường người đồng bằng phải uống thuốc diamox để giảm triệu chứng. AMS mình sẽ có một bài dài sau. Để tránh AMS triệt để, thường sẽ ở lại vài ngày ở mỗi 1000m rồi mới di chuyển lên cao hơn, nhưng chúng ta làm gì có thời gian nên thường bay thẳng, nên AMS là tất yếu, nặng hay nhẹ tùy người.

Khi lên độ cao quá cao, không khí trở nên loãng do áp suất thấp, dẫn đến tim phải hoạt động nhiều hơn để lấy oxy từ mỗi lượt thở của mình. Điều này dẫn đến AMS và cũng dẫn đến mình bị yếu hơn bình thường. Khoảng thời gian đầu mới lên, đi bộ lên một con dốc cũng đủ thở hụt hơi. Nên nếu muốn lên đây trek, bạn cần thời gian một tuần để cơ thể làm quen với độ cao ( acclimatize with the high altitude) rồi mới bắt đầu trek được, và phải cực kì khỏe, chứ mình xem như thua rồi.

Đi Ladakh có phần giống Hà Giang ở mình. Nét đẹp nằm ở con đường, ở hành trình chứ không phải điểm đến. Nếu có thể chạy xe côn đi phượt thì quá tuyệt, nhưng nếu tính đến AMS, độ lạnh, đường nguy hiểm, nguy cơ lạc đường thì tốt nhất và tiết kiệm thời gian nhất là book một agency chở mình đi những điểm mình muốn đến. Chi tiết các agency ở Ladakh mình sẽ viết sau nhé.

– LADAKH –

IMG_5400

Trước giờ bay cũng kha khá, nhưng phải nói lần đầu bay một chuyến bay như cái chợ như chuyến Jet airway từ Bangkok đến New Delhi. Ghế ngồi siêu chật, chân dài như mình là khỏi nhúc nhích, đường giữa hai hàng ghế cũng chật không kém, xe đẩy đồ ăn qua mà đụng cốp cốp là chuyện thường luôn. Nhưng bất ngờ hơn nữa là máy bay vốn chật ních các ông chú người Ấn bự con, đa phần hồi nách (!!!), lại rất thích uống bia rượu và rất ồn. Đi máy bay y như vào quán nhậu, các ông hồ hởi nói chuyện, uống bia uống rượu, tiếp viên lật đật tới lui rót rượu liên hồi. Máy bay lúc đó không còn chỉ là mùi hôi cơ thể, mà còn mùi bia rượu nữa. Còn nhân viên thì phục vụ mấy dĩa đồ ăn mà mình nhớ Vietnam airlines làm gọn lắm, không biết mấy bạn này bị gì mà nhặng xị cả lên. Cực kì nhốn nháo, kéo tủ đồ đổ ập chai nước lên đầu mình nữa. Đồ ăn thì ngày đầu nếm trải cà ri nên thôi cũng không sao, nhưng nói thiệt dở hết nguyên set. ai khó ăn chắc bỏ mứa toàn thể. Đó là còn chưa kể không đưa immigration form cho tụi mình, chắc do bận châm rượu rót bia, nên lúc xuống sân bay cũng hơi mất công đi kiếm để điền.

Điểm cộng duy nhất là cái màn hình trước mặt, nó báo máy bay bay đến đâu, và còn bao nhiêu tiếng nữa tới. Hơi kì nhưng mình thích trò này, nhìn và tưởng tượng trên bản đồ mình đang bay qua những đâu. Không biết sao thấy thích lắm haha

Đến được sân bay New Delhi cũng đã khoảng 12h đêm hơn giờ Ấn Độ. Sân bay quốc tế New Delhi tự nhận là sân bay số một thế giới, thấy treo bảng đầy, mà nói thiệt cũng chưa thấy số một chỗ nào. Xong các thủ tục các thứ, lưu ý các bạn có thể cầm vé máy bay ra cổng và đổi vé xe bus chuyển qua sân bay nội địa miễn phí. Nửa tiếng sẽ có một chuyến. Tốt nhất không nên đổi tiền usd sang rupee lúc này vì tỷ giá trong sân bay (100usd = 6200~6300 rupee) thấp hơn ở ngoài khá nhiều ( nhưng anh đứng quầy đã chắc nịch nói đi toàn Ấn Độ mày cũng ko tìm được rate cao như tao nên tụi mình đã sụp bẫy, đừng như tụi mình).

Sân bay ở đây để vào được internet bạn cần có roaming để nhận mã OTP, mỗi lần chỉ vào được 45 phút, nên cũng khó. Ngoài ra, không nên mua sim 3g ở đây với hi vọng lên Ladakh sẽ có 3g ào ào. Sim của New Delhi hoàn toàn vô dụng trên Ladakh bởi vì Ladakh là khu tự trị bạn nhe. Và lên Ladakh có ý định mua sim dùng 3g thì cũng bỏ luôn vì mạng tệ lắm :))

Sau tất cả màn transit qua sân bay nội địa, vật vờ mua KFC ăn tạm, hai ba lần xét an ninh gắt gao có cả chó nghiệp vụ thì cũng gần 4h sáng. Đâu đấy trong các bài review trước đó có khuyên nên bỏ hết đồ xách tay vào kí gửi và chỉ mang máy ảnh và những thứ quý giá để đỡ kê khai từng cái. Thật ra chuyện này chắc đã bỏ. Họ chỉ rà hành lí qua máy như bình thường thôi.

Chuyến bay của Go Air đến Ladakh cất cánh lúc 5h15 sáng. Chuyến bay vắng đến mức họ xếp cho tụi mình mỗi đứa đều ngồi kế cửa sổ, và coi như mình bao luôn hàng ghế đó. Lúc này buồn ngủ muốn xỉu. Máy bay bay lên từ lúc trời tối mịt, nhìn ra cửa sổ máy bay thấy ánh điện chi chít dưới mặt đất, mình ngủ mơ màng được một chút thì bị đánh thức bơi ánh mặt trời. Nhìn ra cửa sổ lần nữa, và hoàn toàn tỉnh ngủ sau đó.

IMG_5406 IMG_5411

Dưới cánh máy bay là Himalaya hùng vĩ với nhưng núi tuyết phủ, nhìn như bò sữa, ngựa vằn. Có những đoạn mây căng ra bao quanh lấy những đỉnh núi như những hòn đảo trắng nằm đón nắng trên biển bạc. Bình minh lên ửng sắc nóng ở xa xa. Cửa sổ mình không đón nắng. Như với mình như vậy cũng đủ thành một liều morphine, get high luôn từ lúc đó. haha

Ra khỏi máy bay mới thấy lạnh khiếp vía. May có thủ sẵn áo lạnh. Sân bay Leh nhỏ xíu, và cũng không có rà soát hành lý như mình nghe kể. Chắc giờ dễ nhiều rồi. Yama đón tụi mình ngay cửa, tên mình đặt kế chữ Việt Nam rõ to.

Sẵn nói luôn về Yama adventure, dù vào bài cuối mình sẽ review kĩ hơn, thật ra đây là agency chuyên về leo núi và các tour mạo hiểm, được review gần như cao nhất nhì trên tripavisor nên mình đã book. Và dĩ nhiên khi bạn chọn agency có điểm review cao thường giá cũng cao hơn, cỡ 250 usd/ người cho chuyến của tụi mình. So với các agency khác như Yasmin chẳng hạn sẽ mắc hơn độ 50 usd.

Quay lại vụ sân bay, thì lúc xuống khỏi máy bay vui muốn xỉu. Xung quanh đẹp kiểu đẹp chưa bao giờ thấy. Nguyên đám vừa vui lại bắt đầu xôn xao vụ AMS, hỏi mày có bị gì không? Mà không biết rằng thật ra AMS không có bị liền vậy …

Tài xế sau đó chở tụi mình về Sangto villa, trước lúc đi bên agency sẽ cho mình vài cái tên khách sạn để lựa, lưu ý là giá tất cả chỗ này đều tương đối cao nên vô hình chung làm tiền tour cao lên ( vì tour bao gồm tất cả), bạn có thể thương lượng với agency để tìm ks có rate thấp hơn sẽ giảm được kha khá tiền ăn ở nhen. Sangto villa nằm tính ra khá xa trung tầm, tận nửa tiếng đi bộ, nhưng được cái là rất thanh bình, yên ả, có vườn cây bao quanh. Lúc mới đến mình cảm giác như vừa đến villa khách sạn Vân Khanh mình thường ở trên Đà Lạt. Thân quen gì đâu :))

Ở đây mọi thứ đều ổn. Giường ấm, phòng đẹp, nệm êm, phòng tắm nước nóng, phục vụ ăn tận phòng, view cũng đẹp nữa ( lúc trước khi đi nhắm chừng đi kì này là ăn lông ở lỗ, ai dè). Nhưng có một vấn đề cực lớn, là wifi, và vấn đề này là của cả Leh. Mạng internet nếu có cũng cực yếu, còn tình trạng bình thường là rớt mạng và thường không có khả năng sửa chữa, chỉ có ngồi chờ cho có mạng lại.

Vấn đề này đến từ đường truyền cáp từ Srinagar đến Leh chỉ có một nhà cung cấp. Từ Srinagar trước khi xây đèo mất khoảng 16 ngày để đi, giờ chỉ còn 2 ngày. Nhưng cáp ở Việt Nam thì có cá mập cắn nhai không đứt, chỉ chậm, bên đây chắc chuột mamut cắt đứt sạch trơn … nên mỗi làn đứt, là nguyên thành phố mất tín hiệu với thế giới bên ngoài. Cả 3g cũng không còn. Và chuyện này diễn ra khá thường xuyên. Mới đầu tụi mình cũng tỉnh, thôi thì không có mạng vài ngày có sao, nhưng sau mới thấy nó dẫn đến nhiều vấn đề lắm.

Chó trên Ladakh nhiều khiếp. Con nào cũng bự, mà hiền ơi là hiền. Như quỷ này nè, thấy mình ngồi cái tự dưng bu lại. Giơ mấy chụp hình lên thì bày đặt quay đi chỗ khác, nhưng ngồi quài luôn cho chụp với vuốt ve :))

Theo lịch, sau đó tụi mình đi ngủ để nghỉ ngơi làm quen với độ cao. Chuyện này là bắt buộc, và kèm theo là uống nhiều nước. Những ngày đầu không nên vận động mạnh, vì tim đập quá nhanh mà lượng oxy không bù đủ sẽ dẫn đến AMS, nhưng nằm ngủ một chỗ nguyên ngày thì cũng tiêu. Chiều dậy tụi mình được gặp ông Namgial, chủ agency, bạn này khá chu đáo, tới tận nơi để chào và giới thiệu về mọi thứ. Xong tụi mình, theo vài review trên mạng, đòi đi bộ tham quan các đền đài xung quanh. Namgial cản ngay, lúc đó mình còn chưng hửng, lúc sau xe chở tới các điểm đến mình mới hiểu …. chỉ cần lên dốc cỡ chục mét thôi là đã muốn xỉu, thở hồng hộc như trâu, mà còn đòi đi bộ lên đồi lên núi đồ ….

Lúc này, đã có vài bạn than nhức đầu dù đã dùng thuốc Diamox.

Leh gần như là trái tim của Ladakh, là kinh đô cổ đại của vương quốc Mughal ngày xưa và cũng là nút thắt quan trọng của con đường tơ lụa từ Đông sang Tây. Nghe có vẻ xôm vậy chứ cả hai con đường cao tốc nối Leh với thế giới bên ngoài là Manali và Srinagar đều tốn hai ngày để đi, đường khá xấu, và đóng cửa hoàn toàn vào mùa đông. Khí hậu sa mạc khô, lượng mưa ít, mỗi năm chỉ trồng được một vụ. Heo theo tín ngưỡng không ăn vì cho là dơ bẩn, bò là con vật linh thiêng nên cũng không ăn, chỉ lấy sữa, gà thì không nuôi được, dẫn đến ở đây khẩu phần ăn toàn chủ yếu từ thực vật. Mới đầu mình cũng nghĩ qua đây ăn chay cũng thích, nhưng sau không ngờ ăn chay cũng cà ri Ấn mà không thịt thì còn dở cỡ nào.

Đây là tháp Shanti stupa, được xây bởi người Nhật, lưu ý khi đi quanh đền đài tháp tu viện và cả xoay các tháp chuông đều phải xoay theo chiều kim đồng hồ để thuận với vòng xoay của vạn vật.

Ở dưới chợ có một sân đấu giải cấp Ladakh, cưỡi ngựa và chơi cầu, trò này tên là Polo. Thế đây gọi là Ladakh Polo championship haha. Tiếc là xa quá mình chỉ thấy mấy dấu chấm chạy qua chạy lại. Kế bên sân cũng là chợ trung tâm Ladakh, nhìn trên cao tưởng bèo nhèo, nhưng không có đâu ha.

Đến được Namgyal Tsemo monastery thì trời đã ngả chiều, nắng đã đổ xiên. Nhìn xuống Leh thấy cả thành phố nhuộm vàng trong màu của hoàng hôn đẹp thiệt đẹp.

Namgyal Tsemo là tu viện xây dựng trên pháo đài đã sụp đổ, nơi chôn xác của rất nhiều tăng lữ đã hi sinh bảo vệ đất nước cổ đại. Ở đây có thờ Maitreya Buddha là phật di lặc của tương lai. Kinh phật kể rằng mấy ngàn năm sau thế giới sẽ loạn lạc, con người sẽ sụp đổ niềm tin và mắc bệnh cả về tinh thần lẫn thể xác. Maitreya Buddha sẽ xuất hiện và cứu sinh nhân loại một lần nữa. Vì vậy tượng của Maitreya Buddha luôn được tạc và đúc theo vị trí đang ngồi ( chờ).

Ở mỗi ngôi đền tháp, tu viện, cầu, đỉnh núi và nơi nào nhiều gió bạn sẽ thấy sự xuất hiện của cờ phong mã (Lungta). Trong quan niệm từ lâu đời của người dân sống trên vùng đất thảo nguyên mênh mông bạt ngàn thì ngựa và gió giống như người vận chuyển, vừa mang những lời cầu nguyện của con người lên trời, vừa đem những điều tốt đẹp từ trên trời xuống nhân gian.

Những lá cờ Lungta thường được làm bằng những mảnh vải hình vuông nhỏ màu trắng, xanh dương, vàng, xanh lá và đỏ. Trên cờ trang trí bởi những hình ảnh, thần chú và các lời cầu nguyện. Thông thường, ở chính giữa của một lá cờ Lungta là hình tượng ngựa gió, là đại diện cho Tam Bảo của Phật Giáo. Ở bốn góc của lá cờ là những linh thú là Garuda, rồng, hổ và sư tử tuyết. Bốn linh thú đại diện cho: Trí tuệ, quyền năng, sự tự tin và vô úy. Người bản xứ tin rằng, khi gió thổi đến, những lời cầu nguyện và minh chú được ghi trên lá cờ sẽ mang những thiện ý và sự từ bi lan tỏa khắp không gian. Vì vậy, cờ Lungta được tin là đem lại những điều tốt đẹp cho tất cả muôn loài. Vì vậy đi đứng cố gắng không giẫm lên cờ nha các bạn.

Hoàng hôn chảy tràn qua dãy núi dát vàng từng hàng cây, từng ngọn cờ phấp phới trong gió. Lạnh thật lạnh, với khung cảnh đầy kì vĩ và linh thiêng bao quanh, nói thật là lúc đó mình thấy không còn gì tuyệt vời hơn.

Nhìn sang thấy Shanti stupa như chìm trong một quầng sáng huyền ảo.

Đây phải là hoàng hôn đẹp nhất thành công nhất trong suốt hành trình đi mưa về … sương mù suốt bao năm của mình. Cảm động muốn rớt nước mắt hahaha

Lúc trời sập tối, tụi mình có ý định dạo chợ đêm, bạn tour guide tên Jigmet dẫn mình đi nãy giờ nhất quyết ngăn cản bảo rằng hôm nay vận động nhiêu đây là quá đủ, hãy giữ sức để không bị AMS ngày mai. Lúc này mình có chút nhức đầu nhẹ, nãy giờ cảnh đẹp nên nhún nhảy dữ lắm, nhưng đẹp quá nên quên hết, dù vậy lúc nghe cản mình cũng chưa thuyết phục lắm. Nhưng dù sao cũng nghe lời vê ăn tối tại khách sạn và chơi … Bang.

Đến đêm, mình nhức đầu dữ dội.

Tiếp phần hai ở đây nhe

4 Replies to “Northern India P.1 : Leh”

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: