“No pain no gain”
Câu này dùng để nói về chuyến Ladakh của tụi mình là siêu hợp. Sau gần nửa hành trình vẫn bị AMS hành (nhức đầu khi lên cao hoặc vận động mạnh), tụi mình khám phá ra tụi mình uống thuốc …sai liều.
Chuyện là sáng hôm sau cái đêm plan của tụi mình bị rối nùi lên khúc giữa, thì mọi chuyện đã được sắp xếp ổn thõa : tụi mình có thêm một hôm ở Leh để nghỉ ngơi và dạo phố, check out để dời sang một hostel khác rẻ tiền hơn Sangto villa, Namgial giảm cho tụi mình tí tiền cho việc xe của Yama chỉ dừng lại ở Zispa thay vì Manali như ban đầu, và tour ở Spiti chấp nhận pick up tụi mình ở Zispa với mức giá cao hơn chút xíu. Nghe rối ha, tin mình đi lúc đó mình còn rối hơn với các thể loại internet mất tín hiệu, điện thoại chập chờn. Lúc đó, thật sự cũng chẳng làm hơn được, chỉ có ngậm ngùi rút kinh nghiệm cho việc chủ động hơn từ nhà. Còn nếu bạn đọc tới đây vẫn chưa hiểu tụi mình đang rối nùi chuyện gì, mà bản thân mấy bạn còn lại đi chung với mình chắc tới giờ vẫn chưa hiểu, thì chuyện sáng đó mình ra gặp tiếp tân mè nheo vụ internet nhưng vô vọng sau đó được thông báo vụ uống thuốc lộn bill mới động trời.
Thuốc tụi mình dùng là Altitude Rx oxyboost Complex, có ghi trên nhãn là “take 2 capsules twice a day”, bạn giữ thuốc đọc thành uống hai viên mỗi ngày chắc nịch sau đó cũng do chủ quan nên nguyên đám uống thế. Công bằng mà nói ai cũng tương đối khỏe, có mình mình là nhức đầu tới tận hôm nay, nên cũng hơi chua chát tí.
Thế là hôm đó tụi mình dọn qua một cái hostel khác gần phố đi bộ và cả ngày chỉ vòng vòng tham quan Leh. Đồ ăn thường không ngon, nước uống thì khá ngon nhưng nhuận trường khủng khiếp, uống vô là bón mấy cũng hiệu nghiệm cấp kì :))) Đồ lưu niệm thì khá đắt, cái nào cũng nên trả giá. Tối đó, mình có mua nhang, mua vòng tay, mua lụa các thứ. Nhang ở đây ko có chân cắm, nhưng cực thơm, mấy bạn nên mua về làm quà, thích lắm.
Chiều đó nhá nhem có wifi, mừng hết lớn, tụi mình dạt vô quán nước xài wifi mà thấy khách nào cũng vào hỏi ủa wifi có xài dc ko :)) Có nhiêu của nải trong điện thoại được ùa lên facebook sống ảo hết, ai nấy vui mừng y như mười ngàn năm rồi mới được về lại với cộng đồng. Trong lúc ngoài trời Leh nắng rực rỡ như thế, mình nghe bảo Sài Gòn mưa to đến ngập cả hầm B3 Bitexco. Chuyện nghe như đâu đó xa tuốt luốt bên kia Trái Đất, Leh nắng thế kia mà. Chưa kịp tư lự thêm câu nào thì wifi tắt phụp tiếp. Mọi người di tản.
Rồi đêm cuối ở Leh trôi qua nhàn nhã. Tối đó về ngủ thiệt ngon, sáng hôm sau, tụi mình xuất phát đi Himachal Pradesh, chặng sau của cuộc hành trình.
Sáng đó trời trong veo, bầu trời không mây xanh một cách thách thức như ủa không xanh thì tui có thể màu gì khác? Tụi mình quay lại con đường cũ đi hồ Pangong, như lần này sẽ không rẽ trái, mà sẽ đi thẳng về phía Nam, băng qua trục đường xương sống của vùng đất này.
Rời khỏi Leh có chút quyến luyến, vì những gì trải qua tuyệt vời không ngờ, nghe í ới ghế sau có bạn đồng hành bùi ngùi nói Julley Leh. Ở Ladakh và cả Spiti valley, có một câu nói quyền lực bạn nên biết. “Julley”(जुले ) , từ này còn hơn cả một từ, nó là một từ ngữ nhiệm màu, nó không chỉ là một câu đơn, mà là một câu nói hoàn chỉnh, hơn cả là một câu chuyện. Một từ dễ nhớ mà bạn có thể nói trong rất nhiều ngữ cảnh khác nhau mà vẫn hợp lý. Julley được hiểu thông dụng tương đương như Namaste (xin chào trog tiếng Ấn), hi, hello, mà còn là cả goodbye. Nhiều tu sĩ và binh lính còn dùng nó như một từ cầu nguyện và chúc phúc lành cho người khác. Nhớ nhen, ra đường cần gì, hoặc ai đó nói Julley, hãy Julley lại với một nụ cười thì gì cũng được giải quyết.
Sáng đó, có bạn than nhớ nhà, mới nửa chuyến đi mà thấy như lâu lắm rồi (chắc tại mất net), còn nhận xét thật ra dừng chuyến đi ở đây về nhà cũng thỏa mãn rồi không cần đi thêm phía dưới. Lúc đó, thật lòng mình cũng chia sẻ được tâm tư đó. Nhưng hành trình phía trước là những gì chưa ai mường tượng một cách rõ ràng, dù mình cứ cho là mình cũng biết hơi hơi, nhưng thật ra không phải vậy. Những điều diệu kỳ, vẫn ở phía trước. Giờ nghĩ lại, nếu ngày đó mình không tham lam đi cả Himachal Pradesh, thì đó mới là thiếu sót lớn nhất chứ không phải vụ lùm xùm bể plan ở giữa.
Đây là đỉnh cao nhất của đèo Taglang Lah, 5328 mét, ở đây cũng lạnh cóng, xuống đi tè mà thấy khói bóc mịt mù đường quay về xe =))
Đường cao tốc Leh – Manali chạy dài một quãng đường 490km, băng qua ba con đèo, hàng trăm ngọn núi, chục ngôi làng hẻo lánh, và rất rất nhiều con suối đổ từ những đỉnh núi tuyết trắng. Đây là con đường ngắn nhất để đi từ Manali đến Leh, nhưng khổ cái là nó sẽ đóng cửa từ giữa tháng mười đến tháng tư hằng năm do tuyết phủ, vào những ngày đóng cửa, bắt buộc phải đi vòng qua Srinaga để đến Leh. Xe bus địa phương thì thời gian chạy còn ít hơn thế, nên bạn phải nắm lịch chạy nếu quyết định đi vào thời điểm giao mùa như mình. Nếu đi từ Leh xuống, bên phải sẽ là Hemis National park, là công viên sinh thái quốc gia siêu to, nhà của của kha khá các loài đặc hữu sống trên Himalaya như báo tuyết, chuột mập bữa trước, dê núi, linh dương, mèo tuyết, cáo …
Có hai loại xe bus để băng qua đoạn đường trường dài đăng đẵng này : HRTC Buses và HPTDC Semi Deluxe Tourist buses (non-ac). HRTC bus là loại xe phổ thông rẻ tiền di chuyển không dừng lại để ngắm cảnh, chỉ dừng cho những nhu cầu thiết yếu như ăn uống đổi tài xế đổ xăng các thứ. Còn HPTDC thì là kiểu xe bus bán cao cấp dành cho khách du lịch, sẽ dừng lại ở những điểm nổi tiếng để ngắm cảnh, di chuyển trong hai ngày, ngày đầu sẽ từ Leh đến Keylong (75% hành trình), ngủ đêm ở Keylong và hoàn tất hành trình vào nửa ngày hôm sau để đến Manali. Chi tiết về hai loại xe mình sẽ viết kĩ hơn ở kì cuối. Cái quan trọng bạn cần biết ở đây là dù khoảng cách chỉ như đi từ Sài Gòn đến Buôn Mê Thuột, nhưng do đường đèo trắc trở và đường nhiều nơi khá xấu, nên di chuyển phải mất đến hai ngày.
Cừu thả rong nè, nhìn như mấy hạt đậu trắng ánh lên trong nắng, thấy cưng hông. 😀 Đám mình có rượt theo tính chụp hình giữa bầy cừu mà càng tiến tới thấy mấy ẻm càng bỏ chạy lên cao nên bỏ cuộc :))
Đường mới đầu láng o, nhựa đường mới cáu, chạy siêu sướng.
Dốc đất đá trong hình là kết quả của sự xói mòn của các cấu trúc địa chất. Kiểu như qua nhiều nghìn năm xói mòn, phần cát bị đổ xuống đưa ra phần lõi đất đá cứng bên trong tạo thành những cấu trúc địa hình kì lạ vậy nè. Kiểu cấu trúc vầy từ đây đến cuối bài còn gặp nhiều mà thậm chí hoành tráng hơn.
Con đường chạy dọc theo khúc sông xanh ngọc bích, nhiều đoạn xanh dữ quá chụp mà sướng run tay :))
Xanh gì xanh dữ ! Mà mấy bạn thấy phần cấu trúc trên vực không, đó cũng là kết quả của sự xói mòn địa chất. Đẹp dữ ha 😀
Cái hình trên có phần suối xanh xanh là đường cho xe chạy đó :)) đoạn đường láng o phía trên đã là dĩ vãng, chào mừng đến đoạn đường đất đá run giật. Và vì xe thường ko to đến mức chứa hết hành lí của cả bọn nên phải cột hành lí trên nóc xe, mà đường như thế này thì bạn biết hành lí của tụi mình sẽ dơ cỡ nào. Nếu vali thì bạn nên bọc lại, còn balo phuot thì quá tiện có cái áo mưa cho balo đó. Nhớ bọc lại ko là tiêu hết!
Có cái hồ xanh cái màu xanh quá sức độc hại :)) Hình chụp thoáng thoáng qua vài tấm nhưng thật ra mình có cả ngàn tấm hình cho đoạn đường dài này. Đi cả ngày ấy, có đoạn đường bị hư làm kẹt xe hết cả tiếng, có đoạn chạy như rùa chạy qua đoạn đường hình như mới lở đá với vận tốc xe đạp, khói mù mịt mà nản hết cả người.
Vừa hết kẹt xe, cứ kiên nhẫn xếp hàng chạy, ai cũng có phần nhe.
Lúc này là xuống được đỉnh đèo thứ hai của đoạn đường. Có cái trạm bán mì Maggi mà mừng quá trời, tại đói quá rồi. Nhắp một ngụp trà sữa chai, ngồi chờ mì nóng hổi dù đặc sệt cà ri nhưng vẫn vui dễ sợ.
Đoạn đường từ đó trở nên thư thả, chiều đổ bóng núi dài xuống thung lũng. Tụi mình giờ đã vượt qua đoạn đường xấu mù mịt bụi, nên có thể mở toang cửa sổ xe đón gió thổi tốc vào buồng xe mát lạnh. Nhạc vẫn đồng hành trên từng khúc cua và mình đã mơ về Zispa với đường truyền internet siêu tốc. Cơ bản là Zispa đã thuộc về tỉnh khác, Himachal pradesh không phải vùng đất tự trị nên mọi thứ phát triển về cơ sở hạ tầng hơn Ladakh, đó là mình nghe Namgial nói thế.
Đẹp như ánh sáng từ thiên đường, mấy bạn nhỉ? Đời có bao nhiêu buổi chiều đẹp lộng lẫy vầy đâu hihi
Và thế là tụi mình đến được Padma Lodge ở Zispa, khách sạn mà Namgial lẫn Jigmet đều hết lời khen ngợi (và giá cũng ko hề rẻ). Điều đầu tiên mình nhận ra là khu này ngoài khu nhà khách còn có khu cắm trại, nằm kế một một dòng sông, mọi thứ dễ thương và yên ả. Điều sau là mình nhận ra nó không có … điện, thứ ba là không có … sóng điện thoại, cuối cùng là không có luôn … internet. Lúc đó mình nổi điên, mấy bạn nhân viên ở đó mặt mày hơi bặm trợn nhưng chắc hiền, ôm hết hành lý của tụi mình bỏ lên phòng và cái ổ khoá siêu khó mở. Còn mình chạy xồng xộc khắp khu tìm chủ khách sạn để hỏi ra lẽ vụ sao đắt dữ mà điện cũng ko có. Lát sau mới gặp được bác, bác giải thích ở đây phải chờ tới chiều mới có lại mạng điện thoại (lát sau có thật), còn điện thì để mở máy phát điện vì điện ở đây lúc có lúc không, còn internet thì tiêu mấy nay trên toàn vùng rồi. Nghe xong quá hoang mang vì lúc đó không có tin tức của bên tour Spiti để liên hệ, Namgial hứa tới nơi là tao lo hết rồi, xong mình mới tự gọi cho bên đó thì mới biết sáng mai họ pick up, cứ yên tâm. Lòng mới bớt lửa đốt mà quay về phòng :)) Bởi cái gì người ta sắp đặp sẵn là không có ổn đâu phải tự mình sắp xếp nha.
Tối đó ăn buffet ở nhà ăn khách sạn, đông vui náo nhiệt vô cùng, quá trời khách Tây, có vẻ như ở đây dễ đi hơn Ladakh nên nhiều người coi đây là xứ hide away hoàn hảo. Ăn xong tụi mình lại ngủ sớm sau một ngày quá dài quá mệt, chuẩn bị cho ngày mai dài hơn và mệt hơn.
– HIMACHAL PRADESH –
Sáng hôm sau trời hửng sáng, tụi mình được gặp bạn xe bên Spiti tour. Mình không có chụp hình đây, nhưng bạn đó không nói được tiếng Anh, người gốc Ấn thuần nên hơi đen và bặm trợn. Tên bạn đó giới thiệu tới giờ mình cũng ko biết, thấy ko được thân thiện lắm.
Bỏ qua chuyện đó thì đường đi từ Zispa đến Keylong khá đẹp. Mặt trời lên rót nắng qua những khe núi thành những luồng sáng rực rỡ. Màu thu vàng ươm đổ trên những hàng cây sườn núi cũng sặc sỡ không kém.
Muốn từ đoạn đường từ Keylong để đến Kaza bạn sẽ phải băng lên một con đèo, không cao, chạy song hành cùng dòng sông. Có đoạn đẹp như phim chúa Nhẫn :)), có đoạn xấu như sa mạc phim chiến tranh vì sao, đoạn đường tuy không phải xa nhưng vì đường xấu tệ cả đoạn nên xe di chuyển cực chậm.
Chỗ này là cổng vào con đèo bước vào Spiti valley. Đi đến đâu cũng phải xuất giấy thông hành hết. Đường ở đây chỉ còn trơ ra phần đất đá bên dưới. Mình không nghĩ đây là đường mòn, mà do sạc lở mỗi mùa đông nên đường bị huỷ hoại. Xe cẩu công nhân các thứ vẫn đi lại để sửa đường, nhưng đúng là dã tràng se cát biển Đông 😦
Đoạn trên là đoạn đường mình nói đẹp như phim chúa Nhẫn. Cỏ xanh mọc tươm tất bao phủ các sườn núi và ngọn đồi nhìn mát mắt hết sức. Khác với những núi đá trơ trọi của Ladakh, thì đoạn đèo này tuy không hùng vĩ bằng nhưng lại mang một cảm giác xanh tốt phì nhiêu.
Bạn chó này ở trạm nghỉ ăn mì Maggi ở giữa hành trình. Lúc này đã gần trưa. Chủ quán trong những căn lều dựng tạm mặc một chiếc áo cờ Việt Nam, bất ngờ hết sức :)) Ở đây mình gặp hai chú người Ấn Độ hình như là giáo sư Đại Học lại bắt chuyện và kể về những điểm đến ở Spiti, còn đòi chụp hình chung các thứ dễ thương lắm. Nhưng con quỷ chó này mới chết người, vừa ra đi tè là nó bám lấy không rời, kiểu như thân từ đời nào. Bự chà bá mà còn tỏ ra nhõng nhẽo, vừa đụng tới là nằm ăn vạ giơ bụng lên đòi vuốt ve, mà vuốt ve rồi thì quyến luyến không rời :))
Lúc cuối hành trình quay về, mình có hi vọng được gặp lại ẻm, nhưng bạn lái xe chạy luôn không kịp níu kéo. Hức
Đoạn đường tiếp theo là một thảm hoạ của giao thông. Đường chỉ toàn đá, y như ở Việt Nam mình người ta làm đường rồi trải lên lớp đá thô đầu tiên. Thì ở đây y vậy, xe chạy chậm và giật gần 2-3 tiếng đồng hồ thì lên được con đèo đầy bụi này. Nhìn bên trái xe thấy có một con đèo khác (hoặc đã từng là con đèo), đang bị thiên nhiên hoang hoá dần. Có chuyến xe bus địa phương chạy ngang, theo plan sơ khai tụi mình sẽ từ Manali đi bus đến kaza, nhưng hên sao tìm được agency này họ chịu chờ luôn từ Manali đi nên book liền tay. Thật ra ngồi chiếc xe chật cứng mà có vẻ có thể lật bất cứ cua quẹo nào không là vấn đề với mình, nhưng vấn đề là … mùi. Dân Ấn Độ có mùi khá nặng, chuyện này phải được cân nhắc thấu đáo nha. :))
Thay cho những bảng chỉ đường có lời động viên ở hồ Pangong, thì ở đây có mấy cái bảng giới thiệu động vật bản địa. Trong hình là con báo tuyết. Mình cũng không mong được gặp lắm :))
Này là đền đầu tiên trong hành trình vào Spiti. Trơ trọi, xung quanh không có nhà cửa, mà lạnh chát chúa, không biết sống sao giữa cái thiên nhiên khắc nghiệt quá như thế này.
Ngoài cửa kính xe, trời đã qua đỉnh chiều và bắt đầu đổ những chiếc bóng dài. Lại thêm một ngày đường sắp qua. Biên giới giữa những vực thẳm và dốc núi cao, biên giới giữa bóng tối và ánh sáng, biên giới của thiên nhiên hoang hoá và con người kiến tạo, bao nhiêu lần tụi mình đã vượt xe qua tụi mình không nhớ nổi nữa. Nhưng đến tận cửa ngõ bước vào Spiti valley, mọi thứ vẫn choáng ngợp như lần đầu nhìn thấy.
Đàn bò yak nè, nghe bảo này là bò Yak lai với bò thường.
Đây là bãi bồi của con sông, mùa xuân tới tuyết tan sẽ làm mở rộng con sông giờ như những con suối róc rách này.
Điểm tuyệt diệu nhất ở Himalaya có lẽ là sự song tấu giữa núi và mây. Y như hai hoạ sĩ thăng hoa và phóng túng trong từng nét cọ biến tấu. Mới lúc trước thấy ngọn đồi long lanh dưới những vân nắng như ánh từ đáy nước, thì quay lại đã ngập chìm trong trong bóng tối.
Ngôi làng đầu tiên tụi mình đến ở thung lũng Spiti, sau trùng vây của những con đường không một ngôi nhà.
Đẹp vậy đó, đẹp y như một bức tranh siêu thực mà những tấm hình chụp lên, chỉ có mình mới hiểu bản chất của sự vật là thế nào.
Chiều đã đẹp lắm rồi, nắng đã gần tắt trên những ngọn núi xa. Đường đã tốt hẳn và xe bon bon chạy hết tốc lựa trên những con đường vắng tênh.
Qua hằng hà sa số núi đá bên đường.
Qua những vực thẳm .
Qua những kiến tạo hùng vĩ của thiên nhiên.
Qua những ngôi làng đã qua mùa gặt nằm yên ắng trong bóng tối của buổi chiều.
Đây là đỉnh cao của cấu trúc xói mòn nè, nhìn từ hai bên bờ sông.
Thoáng qua ở bên trái con đường, phía bên kia thung lũng, nhìn nom thấy một ngôi đền. Mình cứ thắc mắc liệu đó có phải là Key monastery mà mình vượt đường dài đến đây để chiêm ngưỡng hay không?
Rồi chiều cũng tắt nắng, tụi mình sau một ngày quá dài cũng đã đến nơi. Khách sạn tụi mình ở qua đêm là Spiti Sarai. Thật ra nó nằm ở Marango Rangarik chứ không phải Kaza. Ở đây ngoài chuyện không có net ra thì mọi thứ khá ổn. Lúc sau dỡ xong hành lý tụi mình đi vào Kaza mất chừng 10 phút, gặp chủ của Spiti Holiday Adventure để nghe về hành trình và hỏi vụ khách sạn, thì được giải thích rằng cũng đánh đổi thôi. Vì ở kaza sẽ bị cúp nước đôi khi, nhưng có thể có net chập chờn, còn ở Spiti Sarai thì nước nóng các thứ đều đầy đủ. Nghe hồi cũng xuôi và lười nên kệ ở luôn, các bạn có thể rút kinh nghiệm. Tối đó ngồi bắt net ở trước cửa Spiti Holiday cả buổi, ai nấy cũng đều mừng khấp khởi vì được liên lạc với người thân.
Mình vẫn nghe tin Sài Gòn đang lũ lắm, nhưng ở đây thì bầu trời vẫn cao vào trong như thế. Đến khuya về lại khách sạn, tụi mình ở tầng cao nhất nên thấy bầu trời ôi chao là đẹp. Tập tành thử thách lần nữa trong cơn gió rét run đại ngàn thì được mấy tấm như này, sau đó lạnh quá nên bỏ cuộc và chìm vào giấc ngủ sâu.
Hành trình ở Spiti chỉ mới bắt đầu, nhưng mùi kết thúc đã loạng choạng đâu đó trên đầu mũi. Nghe đâu ở Sài Gòn vẫn mưa các cậu ạ.
Xem tiếp phần 6 ở đây .