Northern India P.7: Back to Manali

Scroll down to content

Đã bốn tháng từ ngày mình quay về từ Ấn Độ, 6 bài blog trải dài tuỳ theo bận rảnh, mấy cái TVC đã mần xong, cũng đi thêm được mấy chuyến mới không kể xa gần, một mối tình cũng đã tiêu đời, Giao Thừa kê dao sát cổ, vậy mà vẫn chưa viết xong hết series cô dâu 8 tuổi này. Nên đây, rốt cuộc, finally, definitely, yes it’s, là bài cuối, không thêm một bài nào khác nữa :)) Cơn đau đẻ kéo dài cần được kết thúc, sau này đọc lại 7 đứa con, chắc sẽ buồn vui lẫn lộn.

Dù sao thì, buổi sáng cuối thức dậy ở Spiti valley, tụi mình ý thức được cuộc vui đã hết, giờ là lúc quay về nhà. Sáng đó xe bắt đầu chạy từ lúc trời mờ sáng nên đã không kịp từ biệt ông chủ khách sạn tốt bụng. Đường về vậy chứ dài lắm, tụi mình sẽ có nguyên một ngày ngồi xe quay trở về đường cũ đã đi, đến đèo Rohtang La thì rẽ trái, băng qua bờ nam của Himalaya để xuống lại vùng thấp là Manali. Sau đó, ngủ một đêm ở Manali, rồi sáng hôm sau di chuyển ra sân bay ở Kullu cách đó hơn một tiếng đi xe để bay về New Delhi. Ở sân bay New Delhi tới tối và bắt chuyến bay về Bangkok. Đến Bangkok đã là 2 3h sáng hôm sau, và bay về Việt Nam chuyến trưa. Là hai ngày hơn để về, ngán không?

Nhưng ngán nhất với mình là quay trở lại đoạn đường từ Kaza đến Rohtang La, đoạn mà ở hai bài trước mình chia sẻ về sự xuống cấp khủng khiếp của đường đèo. Nhưng viên ngọc quý Chandra Taal đã cứu vãn tất cả.

Đây có lẽ là hồ đẹp nhất mình từng đi từ trước đến giờ. Một vẻ đẹp ma mị và phi thường. Những ngày làm plan cho chuyến đi, mình có tìm ra hồ Chandra Taal nhưng đã đánh giá hơi thấp vẻ đẹp của nó, có đi cũng được, không có cũng không sao. Nhưng lúc xe rẽ khỏi con đèo Kunzum và mọi người phải xuống đi bộ qua một đoạn đường đồi, mình đã thấy nom thấy mặt hồ ở phía xa và chỉ mọi người nhưng không ai tin hết. Vì nó phản chiếu trọn vẹn cảnh vật bên trên, một vạt gương phẳng lặng ẩn mình hoàn hảo vào núi non trùng điệp, không một gợn sóng. Lúc đó mới thấy cái xứ này nó diệu kì biết bao, có những nơi nhìn hình google đẹp trần ai đến nơi bật ngửa vì ủa sao xấu quá, còn cái nơi này, nó toàn đẹp hơn trong hình gấp mấy lần.

IMG_8743 IMG_8747

Nước trong veo, có lợn cợn rêu xanh ở gần bờ. Hồ Chandra Taal hay hồ mặt trăng ( dựa theo dáng của hồ) còn được dân địa phương xem là hồ thiêng. Nếu đi hết một vòng theo chiều kim đồng hồ và nguyện ước, điều ước sẽ thành hiện thực. Làm mình nhớ tuần trước đó mình có cầu duyên ở hồ Pangong :)) mà rốt cuộc cũng đổ bể, thiết nghĩ là do mình cầu tiếng Việt. Nên mấy bạn nhớ cầu tiếng Ấn nhe haha

IMG_8759 IMG_8761

IMG_8766 IMG_8765

IMG_8771 IMG_8786

IMG_8815

Trong nhóm luôn cần những con điên như vầy. :))

IMG_8827

IMG_8828 IMG_8835

IMG_8839

Hồ Mặt Trăng là vùng thuộc dạng khu bảo vệ đất ngập nước Ramsar. Vào mùa xuân tuyết tan, nước hồ chảy thành dòng cung cấp nước cho vùng đất bao quanh phát triển rất nhiều loại thực vật khác nhau. Trên mạng còn bảo nếu đi mùa xuân sẽ thấy hoa khắp nơi.

Xung quanh hồ có rất nhiều khu cắm trại ngoài trời, không gần sát mép hồ đâu mà phải chạy xe một lúc. Ngoài ra cũng kha khá người dân mang lều vào đây cắm trại qua đêm ở bờ hồ. Trong một vài plan Spiti dài ngày cung cấp bởi các hãng tour thì có cả cắm trại qua đêm ở hồ, vì đoạn đường từ Kaza đến hồ Chandra Taal không hề gần đâu nhe. Tụi mình đi từ 5h30 sáng mà phải đến 11h trưa mới đến nơi.

Và hình của mình không bảo chứng cho vẻ đẹp của hồ nha, nếu hôm đó là ngày có gió mạnh, thì hồ không có đẹp như hình mình chụp đâu :))

Xớ rớ ở hồ được một lát thì để kịp quay về Manali, tụi mình vội vã rời khỏi Chandra Taal và quay về với con đường đèo về lại Manali. Đoạn này xấu đến mức có lúc qua khúc cua cùi chỏ mình có cảm giác xe sắp lật, phải dồn qua phía kia ngay cho bớt sợ :))

IMG_8848

IMG_8850

Đâu đó, cuối giờ chiều tụi mình đã lên được đèo Rohtang Lah. Bầu trời khi ấy vẫn trong veo, vài gợn mây cho có gọi là lỡ lững giữa những núi đá khô trọc.IMG_8855

IMG_8863

Ấy vậy mà, ở đỉnh đèo, một nùi mây khói che hết đường vào.

IMG_8904

Và từ đó, mây khói che ngập hết đường đi. Có khúc mọi thứ chìm trong màu trắng xoá. Mình có cảm giác tụi mình vừa bước qua một thế giới khác. Bên kia của con đèo, cảm giác về bầu trời cao rộng đầy nắng vẫn còn trong đầu mình, vậy mà qua đây mọi thứ như hoàn toàn khác. Lúc đó nguyên đám đứa nào cũng ngỡ ngàng.

IMG_8906

Mấy bạn có nghe đến chuyện Trường Sơn Đông khô nóng và Trường Sơn Tây mưa ngập lối chưa. Trường Sơn mới thấp vậy, còn Himalaya còn cao đến cỡ nào. Cả một dãy núi sừng sững nóc nhà thế giới chính là tấm lá chắn gió ẩm của Bắc Ấn và các nước lân cận.

IMG_8920

Tất cả mây gió, độ ẩm đều bị sườn Nam của Himalaya chặn đứng. Dẫn đến Ladakh và SPiti valley, còn cả Tây Tạng, sở hữu khí hậu lạnh khô. Độ ẩm cực thấp với lượng mưa cũng cực thấp, cây cối cũng thưa thớt dần nhường chỗ cho đất đá.

IMG_8925

Nhưng ở sườn Nam của dãy núi đại hùng vĩ, đã lãnh đủ hết tất cả gió Tây Nam nên độ ẩm cực cao. Ngoài sương khói, còn có thảm thực vật phát triển cực kì phong phú. Lát xem mấy ảnh sau bạn sẽ thấy.

IMG_8935

IMG_8983

IMG_8990

Có mấy bạn bắt trớn từ những sườn núi cao trọc trời và chơi nhảy dù. Trong nắng chiều hoàng hôn nhập nhoàng, bóng dù in đậm đà vào nền trời tối sáng, lúc đó đẹp lắm luôn, chụp lên nhìn lại thấy xấu quắc haha.

IMG_9001

IMG_9006

IMG_9009

IMG_9087

Tấm hình này là thấy rõ nhất những sóng mây vĩ đại trờ tới bờ Nam của Himalaya nè. Thiên nhiên mới kì thú làm sao.

IMG_9094

Xuống thấp xuống, cả bọn ngỡ ngàng vì những con đèo đầy đá giờ đã xa thật rồi. Có cảm giác như xe đang chạy giữa công viên đầy cây, với lớp cỏ mịn rứt được cắt tỉa hoàn hảo. Mình nghe mùi thông nồng nàn trong gió lạnh tạt vào cửa xe. Những vườn táo xum xuê nẹo trái vẫn thỉnh thoảng vụt qua bên đường.

IMG_9116

Thấy chỗ này bán táo tụi mình tắp vô mua liền. Cô này lanh lắm, vừa thấy tắp xe là đổ táo thẳng vô chỗ ngồi của mình cùng một tràng tiếng Ấn :))) 1kg táo có 100 rupee miễn trả giá, là 32000 đồng vn, cũng phải 15 trái. Tin nổi hông?? Mà ngọt lắm nhe, ngọt lắm như táo rocket luôn huhu

IMG_9129

Hoàng hôn lại về, nhưng kì này không còn nắng cháy rực rỡ trên những dãy núi mà là nhập nhoàng trong mây mù. Manali đã kề bên.

IMG_9134

Cảm giác đầu tiền về Manali là thấy giống Đà Lạt mà bị dơ với rừng thông cao vút khắp nơi. Khách sạn mình đặt nằm tuốt trên đỉnh một ngọn đồi, phải đi hoài mới tới. Ngoài chuyện hơi xa trung tâm (15 phút đi xe) thì khách sạn này khá ổn và yên tĩnh. Phòng cũng sạch sẽ và có nước nóng các thứ, từ cửa sổ khách sạn có thể thấy cả Manali trong đêm. Cứ leo lên chiếc xe như chiếc tuktuk thì là 100 rupee để chở ra trung tâm.

Lúc đến khách sạn điều đầu tiên mình hỏi là cách di chuyển ra sân bay Kullu. Mình có tìm hiểu sơ về chuyện từ Manali ra sân bay hơi xa, nhưng không ngờ xa vậy (những 2 – 3 tiếng di chuyển bằng bus), sáng hôm sau tụi mình phải đi từ 5h sáng mới kịp giờ ra máy bay. Nhưng thôi kệ, còn tí tiền, tối nay quyết tâm chơi lớn bù lại những ngày hiu hắt nơi hẻo lánh chỉ biết cà ri rau củ :))

IMG_9136

Phố đi bộ của Manali còn đông vui hơn cả Leh. Bán đủ thứ món, quá ngán món Ấn nên tụi mình đã quẹo vô tiệm đồ Nhật và ăn bữa mắc nhất từ lúc đến Ấn tới giờ, hết 1650 rupee :))

IMG_9146

Cảm giác khó thở và di chuyển khó đã hoàn toàn biết mất, độ cao của Manali cũng cao hơn Đà Lạt một chút. Đi bộ một đoạn về khách sạn trong đường dốc lên đồi, mọi thứ tĩnh mịch, mình thấy nhớ Đà Lạt khiếp vía.

IMG_9149

IMG_9153Sáng hôm sau đầu tiên là bắt taxi lúc 5h sáng hết 200 rupee ra bến xe bus. Lúc đến nơi là vừa lúc chiếc bus chuẩn bị lăn bánh, mừng hết lớn. Leo lên chiếc xe đi hết hai ba thị trấn nữa, cũng phải 3 tiếng hơn thì đến được sân bay Kullu. Sợ trễ nên chạy như bay vào sân bay ai dè bị delay hết 2 tiếng. :))

Và thế là hết rồi, tụi mình lẩn quẩn ở sân bay New Delhi để về Bangkok rồi lại luẩn quẩn ở Survanabhumi để về Sài Gòn. Kết thúc hành trình 13 ngày đi qua nóc nhà thế giới. Kết thúc 6 chuyến bay bay qua 6403 km, 12kg hành lý đeo vai và 3kg rưỡi túi đeo chéo, 31 triệu rưỡi, hai cái lens 1 máy ảnh, hai bộ đồ chống lạnh, một tháng chuẩn bị uống hoạt huyết dưỡng não và 42 viên diamox chống sốc độ cao. Chiếc xe toyota len lỏi băng qua những con đèo mỏng tanh như rắn quấn quanh những dãy núi cao vời vợi. Thỉnh thoảng đưa mắt xuống dưới cửa sổ xe sẽ thấy một vực thẳm hun hút, nhưng nhìn lên luôn là những ngút ngàn đồ sộ của dãy núi thiêng, của thảo nguyên bạt ngàn, của những đền đài nằm chênh vênh trên dốc núi, của cây táo trĩu quả, và còn là bầu trời xanh rộng mở cho những trái tim tự do muốn bứt mình khỏi những già cỗi mỗi ngày.

Tới giờ, mình vẫn còn nhớ cảm giác ngồi lặng yên bên cửa xe ngắm những cảnh đẹp hùng vĩ lướt qua vùn vụt. Và cảm giác chờ mãi đến lúc có net để nhắn về nhà. Thật sự, phải đi xa như vậy, con người mới thấy quý hơn những gì mình đang có ở quê nhà. Thôi viết tới đây đáng lẽ phải có cái kết trào lộng gì lắm để kết thúc, nhưng mình lại buồn rồi, thay vào đó các bạn xem cái clip của bạn Chí bạn đồng hành đỡ vậy 😀

Rồi, sau đây là phần thông tin chi tiết cần cho chuyến đi như đã hứa từ bài đầu, ai muốn đi thì đọc hén, còn ko thì có thể tắt được rồi 😀 Ăn Tết vui vẻ nè, chúc bạn năm mới tràn ngập những hành trình rực rỡ.

– VISA –

Visa Ấn Độ xin khá dễ, nhưng rườm rà và phiền phức về cách thức, khó nhất phải là … điền form. :))

Quy định chung :
1.Hộ chiếu Việt Nam và còn hạn trên 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh Ấn Độ. Hộ chiếu phải còn ít nhất 2 trang trống.
2. Có vé máy bay khứ hồi

Có 2 loại Visa Ấn Độ phù hợp cho chúng ta:

1.VISA DU LỊCH BÌNH THƯỜNG: phí 43 $
Thời hạn cư trú 3 -6 tháng , ra vào nhiều lần, phù hợp với cả mấy bạn muốn đi Nepal và quay lại.
Điền đơn online theo link : https://indianvisaonline.gov.in/visa/index.html
( click vào phần xanh lá cây: Regular Visa Application để làm đơn), có thể làm và lưu lại, ngày hôm sau mở ra làm tiếp.
Sau khi điền đơn online, mình phải in đơn ra , dán hình ( 2 tấm ảnh thẻ nền trắng rõ mặt , kthc: 4×4 cm theo bài viết trên mạng, 5x5cm trên web đại sứ quán), bảng photo hộ chiếu( 2 trang đầu), hộ chiếu gốc, tiền mặt ( đô la không chơi tiền Việt ) và đặt lịch hẹn tới đại sứ quán để đến phỏng vấn. Có thể nộp giúp và phỏng vấn giúp nhưng phải đặt hẹn trước cho từng đơn một. ( đã gọi điện check đại sứ quán), không đặt hẹn ko cho nộp đơn.

Quá trình điền đơn mình xin mạn phép trích dẫn hướng dẫn của blog anh Thích đi Bụi, các bạn đọc thêm tại đây .
2. VISA ONLINE: 62$
Visa này điền online, nộp online, sumit các file hình thẻ và file passport rồi đóng tiền bằng credit card thôi. Sau đó nó sẽ gửi email cho mình cấp visa. Khi đi qua cửa khẩu thì chìa tờ giấy in email đó ra để qua cổng.
Link làm visa: https://indianvisaonline.gov.in/visa/index.html
( click vào phần E- tourist visa)

Các lưu ý với loại visa này:

a. Chỉ cho phép bay đến các sân bay sau: Ahmedabad, Amritsar, Bengaluru, Chennai, Cochin, Delhi, Gaya, Goa, Hyderabad, Jaipur, Kolkata, Lucknow, Mumbai, Tiruchirapalli, Trivandrum & Varanasi.
b. Thời gian nhập cảnh tối đa là 30 ngày và tối thiểu là 4 ngày trước ngày dự định nhập cảnh vào Ấn Độ. Visa sẽ có giá trị 30 ngày kể từ ngày bạn nhập cảnh
c. Bạn hãy chuẩn bị file hình chân dung có định dạng JPG, hình vuông, nền trắng, không viền, đầy đủ mặt từ đỉnh đầu đến cằm, không có bóng trên khuôn mặt hoặc nền sau, có kích cỡ file tốt thiểu 10KB và tối đa 1MB. File PDF scan hộ chiếu với kích cỡ file tối thiểu là 10KB và tối đa 300KB, yêu cầu hình phải rõ ràng. Kinh nghiệm là nên dùng Internet Explorer.

Hướng dẫn làm loại visa này mấy bạn đọc thêm ở đây .

– VÉ MÁY BAY –

Bay đến New Delhi có thể transit ở Bangkok hoặc KL, bằng nhiều hãng như Air Asia, hoặc nối chuyến giữa Vietjet, Vietnam airline với Jet Airways.

Vé máy bay đến Ladakh phức tạp nhất là đoạn bạn phải canh thêm để bay thêm chuyến nội địa, được cung cấp bởi bốn hãng như sau, phần này mình xin trích dẫn blog của anh Ngô Quang Minh. Bạn có thể đọc thêm blog anh để có thêm thông tin và cái nhìn khác về Ladakh.

Có 4 hãng hàng không bay vào/ra Leh:

GoAir: http://www.goair.in – Thể loại: HK giá rẻ, không có đồ ăn, ít chuyến, thường hoãn nhất trong số 4 hãng

Air India: http://www.airindia.in – Thể loại: HK giá rẻ, số lượng chuyến cũng không nhiều và hay có đình công nên lịch bay khó tin cậy

Jet Airways: http://www.jetairways.com – Thể loại: HK chất lượng cao, giá đắt hơn GoAir và AirIndia, đồ ăn ngon và phong phú, hiếm khi hoãn hay trễ chuyến

King Fisher: http://www.flykingfisher.com – Tương tự Jet Airways, nhưng tiếp viên xinh hơn, được coi là 1 trong những hãng HK nổi tiếng về việc tuyển chọn tiếp viên cực xinh 😛

Cả 4 hãng trên đều đặt chỗ online và xuất vé điện tử. Riêng JetAirways và KingFisher còn cho phép chọn trước chỗ ngồi khi làm web check-in nên có thể sắp xếp ngồi cạnh cửa sổ ngắm cảnh khi bay vào/ra Leh. Các hãng đều tăng chuyến (2-3 chuyến/ngày) trong những mùa du lịch Ladakh (tháng 5 đến tháng 10), thời gian bay vào thường khá sớm (6am, 7am ..) và thời gian bay ra thường là sau buổi trưa nên rất tiện lợi cho khách du lịch.

Đó là vé bay đi Leh, còn nếu bạn mon men đi thêm Spiti Valley như mình thì còn ít chuyến hơn. Chỉ có hãng Air India là tổ chức chuyến bay cho chặng Kullu và New Delhi với giá cực chát, đợt đó mình mua 3tr5 cho 1 chiều khứ hồi. Nhưng bù lại máy bay của Air India siêu thoải mái và siêu đẹp, có đồ ăn luôn.

Nếu bạn muốn đi tiếp Ấn Độ ngoài Ladakh, thì có thể xem xét trang RometoRio để tìm cách di chuyển.

– ĐƯỜNG BỘ –

Đường bộ ở đây trước hết mình muốn đề cập đến chặng New Delhi – Leh. Nếu dư dả thời gian và còn là để làm quen với độ cao chống bị sốc, bạn có thể lựa chọn hành trình cũng hơi khoai này trong độ tháng Năm đến tháng Mười. Nhưng nếu bay chỉ mất 1 tiếng, đi xe bạn sẽ mất 3 ngày. Có cả website của tỉnh J&K để bạn check tình trạng lưu thông của đường tại đây .

Còn về đường di chuyển giữa Leh và Manali, thì có hai cách khở dĩ sau đây:

+ Một là thuê taxi, cách này chỉ dùng được nếu bạn đi đông chia tiền ra sẽ rẻ, hoặc share taxi được với đoàn khác, nếu đi ít hoặc đi một mình mà ko tìm ra ai để share thì quên đi ha.

Để biết về giá cả deal với taxi, xem ở đây. Để biết về list contact của taxi, xem ở đây. Thông tin này của trang Devil on wheel, một trang chuyên thông tin về du lịch Ladakh và Spiti valley cực có tâm và cực chi tiết. Ngụp lặn trong đây bạn sẽ kiếm được khối thông tin hữu ích nhưng hãy nhớ lưu về đừng chủ quan là qua Ladakh có thể truy cập được như tụi mình nha.

+ Hai là đi xe bus, có hai loại bus:

  • Chặng Leh – Manali , có hai loại bus HRTC Buses và HPTDC Semi Deluxe Tourist buses (non-ac). HRTC là loại xe bus bình thường cho dân bản địa, sẽ không dừng lại để ngắm cảnh, chỉ dừng lại để ăn uống đi vệ sinh. Trong khi HPTDC lại là xe cao cấp hơn dành cho khách du lịch với mức giá đắt hơn, có dừng lại ngắm cảnh và chỉ chạy trong khoảng thời gian du lịch cao điểm.
  • Manali – Leh HPTDC Bus: HPTDC bus giá Rs 2400 một người trong đó phí di chuyển là Rs 1800 và tiền khách sạn Rs 600 ở Hotel Chandrabhaga, Keylong với bữa tối và bữa sáng. HPTDC bus rời Manali lúc 11 AM vào buổi sáng và đến Keylong trong chiều (25% quãng đường). Sau đó chạy lúc 5.30-6.00 AM sáng hôm sau từ Keylong và đến Leh khoảng chiều tối. Chiều ngược lại cũng vậy.
  • Lịch chạy của HPTDC Manali – Leh Bus Service xem ở : http://hptdc.nic.in/leh.htm.
  • Delhi – Manali – Leh Bus Service được vận hành bởi HRTC. Hãng xe này chạy qua 1260 kms và có mức giá Rs 1339. Tổng thời gian chạy là 35 tiếng. Suốt chuyến xe có thể đổi xe một đến hai lần. Khởi hành tại Delhi ISBT – lúc 3:45 pm, xong di chuyển đến Chandigarh Sec 43 khoảng 9:30 pm. Tiếo tục rời khỏi Kullu lúc 6:30 am, Manali lúc 10:00 am và đến Keylong khoảng 3:00 pm. Ngủ đêm ở Keylong và ngày hôm sau khởi hành 5am đến Leh lúc 7pm. Chặng ngược lại khởi hành từ Leh lúc 5am

– AMS –

Các triệu chứng của chứng say độ cao hơi giống bệnh cúm: khó chịu, khó thở, đau nhói đầu, buồn nôn là những triệu chứng phổ biến của say độ cao. Các triệu chứng này sẽ giảm dần trong vòng 1-5 ngày khi cơ thể thích nghi với độ cao mới

I-Dùng thuốc để phòng ngừa:

– dùng Acetazolamide: thuốc này thường được bán trên thị trường dưới tên thương mại Diamox. Nó làm tăng độ axit trong máu, giúp cho việc vận chuyển oxy trong cơ thể được hiệu quả hơn. Do đó, nó giúp chống lại những ảnh hưởng xấu của chứng say độ cao do thiếu oxy trong máu. Tụi mình dùng thuốc Altitude Rx oxyboost Complex, order từ amazon về và liều dùng là 2 viên một lần, một ngày hai lần là bốn viên. Dùng 24 tiếng trước khi lên độ cao cao hơn 3000m nha.

– Uống viên Linh Chi: uống 5 viên (mỗi viên hàm lượng 420mg) Linh Chi mỗi ngày để cải thiện khả năng oxy hóa máu và ngăn ngừa say độ cao. Việc uống Linh Chi phải thực hiện suốt cả chuyến đi và thêm vài ngày sau đó.

– Uống Ginko Biloba (Bạch quả): uống 3 viên Bạch Quả (mỗi viên hàm lượng tối thiểu 40mg chiết xuất Ginko Biloba). Bắt đầu uống Bạch Quả ít nhất 2 ngày trước khi đi và có thể uống suốt hành trình để giảm bớt những cơn đau đầu và buồn nôn khi say độ cao.

– Uống Rhodiola Rosea: uống 200-400mg viên nang Rhodiola Rosea mỗi ngày khi ở vùng cao để ngăn chặn chứng say độ cao. Nên uống sau khi thức dậy vì tuy nó giúp làm tăng sức chịu đựng của cơ thể nhưng lại có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

– Uống cồn gừng: nhỏ 10-20 giọt cồn gừng (ginger tincture) vào một cốc nước ấm và uống khi thức dậy vào buổi sáng. Biện pháp này cần được làm hàng ngày nhằm ngăn ngừa chứng say độ cao.

– Uống trà chanh, gừng và mật ong: đun sôi 1 cốc nước, thêm 1 thìa cà phê nước cốt chanh, gừng và mật ong. Uống mỗi khi khát để ngăn chặn hoặc giảm nhẹ triệu chứng say độ cao

– Uống thật nhiều nước mỗi ngày.

II-Dùng thuốc để điều trị:

– Dùng Ibuprofen: để trị đau đầu, được coi là loại thuốc giảm đau hiệu quả nhất trong việc điều trị chứng say độ cao.

– Dùng Acetazolamide: để cải thiện hàm lượng oxy trong máu. Đây là loại thuốc bán theo đơn có tác dụng giúp bạn thở nhanh hơn để chuyển hóa nhiều hơn khí oxy vào máu, nhờ đó chống lại hoặc ngăn chặn được ảnh hưởng của chứng say độ cao. Thuốc này rất có ích khi bạn qua đêm ở những độ cao tương đối lớn, kể cả khi nhịp thở của bạn bị chậm đi lúc ngủ say.

– Dùng Nifedipine: thuốc này thường dùng để điều trị chứng cao huyết áp. Nó được sử dụng khi leo núi do có thể làm nở các động mạch ở phổi vì các động mạch này thường bị teo do hàm lượng oxy trong không khí thấp. Nhờ đó, Nifedipine có thể hỗ trợ cho hô hấp ở những độ cao lớn.

 Trong trường hợp làm tất cả những điều trên, mà bạn bị xỉu, không thể đi thẳng trên một đường thẳng, nhức đầu ko ngớt, ói mửa không ngừng, thì ở Leh có bệnh viện. Còn nếu đang ở cù bất cù bơ nơi nào trên 5000m, thì ngay lập tức giảm độ cao. Nếu không có thể truỵ não đó không đùa đâu.

– TOUR –

Ở Ladakh mình có hai nơi recommend cho mấy bạn :

  • Yama adventure : đây là agency mình đã book, giá cao hơn các chỗ khác chút nhưng chất lượng thì quá ổn. Họ có tổ chức nhiều tour khác nhau tuỳ số ngày ở Ladakh và các nơi khác toàn Ấn Độ (cái này thì mình nghi họ hợp tác thôi chứ ko tự tổ chức). Xem thêm thông tin tại đây.
  • Yasmin Ladakh : agency này mình xem của blog anh Ngô Quang Minh và được anh review ổn, giá rẻ hơn Yama. Bạn xem ở đây.

Ở Spiti mình không có recommend cho bạn, hầu hết các agency đều bắt du khách tự di chuyển từ Manali đến Kaza tự túc bằng bus, chỉ duy có Spiti Holday Adventure là cung cấp xe chở đi và về. Dù chất lượng chỗ này về mặt con người hơi kém. Nếu bỏ qua được thẳng dẫn tour tào lao và thằng tài xế mặt chầm dzầm nguyên ngày thì bạn có thể xem ở đây. Còn không bạn đành phải lên tripavisor ngụp lặn đọc review thôi.

Về khách sạn nếu tự book ngoài những ngày trong tour, bạn có thể vào trang QIK stay , một trang booking của Ấn để tìm khách sạn hén.

– CHI PHÍ –

100 rupee hiện đang đổi được 32000 tiền Việt. 100 usd đổi được 6500 rupee nếu ko đổi ở sân bay.

  • Ngoài vé máy bay 6 chuyển tụi mình mua rốt cuộc bị đắt. 15 triệu cho 6 chuyến. Trong đó 2 triệu cho New Delhi – Leh, 3tr5 cho Manali – New Delhi, còn lại là khoảng hơn 9 triệu cho vé khứ hồi Sài Gòn – New Delhi.  Nếu mua sớm bạn có thể mua rẻ hơn còn khoảng 12tr, hoặc rẻ hơn nữa nếu trúng dịp giảm giá.
  • Tiền tour cho Yama là 16800 rupee/ người ( cỡ 250 đô) , cho Spiti là 8220 rupee/ người.
  • Tiền khách sạn ở Leh, Zispa và Manali những ngày ko nằm trong tour cũng tốn thêm một khoản khoảng 250k – 450k/ người 1 đêm.
  • Tụi mình tốn thêm 4400 rupee mỗi đứa cho tổng chi phí ăn uống, taxi và mấy thứ lặt vặt bên lề.
  • Tiền visa và tiền ăn uống ở Bangkok, mua quà mang về.

Tổng cộng mình bay hết 31 triệu rưỡi tiền VN.

– TIPS –

  • Ngoài chuyện chuẩn bị thuốc AMS, cũng nên tập thể lực trước ngày đi cỡ hai tháng, và dùng kèm hoạt huyết dưỡng não một tháng trước khi đi để giúp não trang bị khoẻ hơn cho chuyến đi hén.
  • Trên đó nắng khủng khiếp, lạnh điên nên những thứ như Kem dưỡng da, dưỡng môi, kem chống nắng là BẮT BUỘC. Thực tế sau chuyến đi, dù xài đủ da mình vẫn khô bong ra hết, phải mượn thêm viên nhộng mặt nạ ngủ Laneigne của chị bạn để dưỡng ẩm mỗi tối.
  • Xisat nước biển sâu dạng xịt để mũi bớt khô, bớt chảy máu.
  • Cẩn thận mang theo thuốc tiêu chảy, dù bón sẽ nhiều hơn chảy nhưng thôi cứ mang vì đồ ăn Ấn hơi ko hợp vệ sinh
  • Đồ giữ ấm ( quần áo lót cách nhiệt mua trong chợ Nga mấy trăm một bộ, áo khoác dày, khăn len, nón len, vớ len, bao tay các thứ)
  • Giày da giữ ấm http://www.fanfan.vn/ hay http://wetrek.vn/
  • Kính đen chống UV (nắng trên đó UV cao nhe các bạn )
  • Túi ngủ ( ko bắt buộc, nhưng nếu có ăn bờ ngủ bụi thì nên mua lại dày)
  • Bảo hiểm du lịch ( ko bắt buộc nhưng tốt nhất nên có vì chuyến đi có nhiều rủi ro, mua thì vào www.libertyinsurance.com.vn để mua giá 1 usd / ngày)
  • Đồ ăn (mì gói, ruốc, đồ hộp … ), nhớ mua nhe, nó sẽ cứu bạn khỏi những tháng ngày cà ri liên tục. 
  • Không đổi đô trong sân bay. Không mua sim mang lên Ladakh vì sim ở New Delhi ko dùng được ở Ladakh và ngược lại. 
  • Cây ATM trên đó ghê lắm, nhưng rút tiền bằng atm rất lẹ, dù nhìn hệ thống atm có vẻ nghèo nàn, và cũng ko thấy có chữ visa hay mastercard gì nhưng rút vô tư.
  • Chuẩn bị tất cả thông tin in ra giấy, vì internet trên những chỗ bạn đi dù ở đô thị vẫn lúc có lúc không. Nói chung chủ động để không bị rủi ro.
  • Nếu gửi mail cho các agency trên mà họ ko trả lời, hãy kiên nhẫn gửi lại, thương họ vì internet họ tèo lắm :))
  • Không mua đầu Phật mang về vì có thể bị bắt lại ở hải quan.

Hết rồi, hẹn gặp lại ở bài blog Coron. Chúc bạn lần nữa một năm mới tràn đầy những hành trình rực rỡ. Cảm ơn đã theo dõi và ủng hộ blog mình. 😀

Julley!

21 Replies to “Northern India P.7: Back to Manali”

  1. tối qua tình cờ có 1 bạn rủ đi Dalakh, nguyên cả tối không ngủ đọc đủ thứ review và đọc nguyên 7 phần của a, vừa đọc vừa tưởng tượng thấy sướng vãi. Chờ đến sáng gọi điện về xin tiền thì bị ăn chửi té tát. Ngẫm ra cũng nguy hiểm thật a nhỉ? Nhưng cũng đáng thử mà, e sẽ nuôi lợn đất :)))

    Like

  2. Mình dự định đi Ladark tháng 7 hoặc tháng 8 này. Mình chủ yếu tìm thông tin trên youtube. Bài viết của bạn rất chi tiết và bổ ích, nó sẽ giúp mình rất nhiều trong chuyến đi sắp tới. Cám ơn bạn rất nhiều vì đã truyền cảm hứng cho mình trong những bài viết của bạn. Chúc bạn thành công hơn nữa trong các chuyến đi tiếp theo

    Like

  3. Xin chào. M đã mua vé đi Leh từ 1/7-8/7/2019. Mình có nhiều điều muốn hỏi bạn thêm. B có thể cho mình email hoặc facebook để mình liên lạc đc ko ạ? Cám ơn bạn rất nhiều

    Like

  4. Bạn cho mình hỏi chút
    Bạn có dùng Altitude Rx oxyboost Complex chung với Acetazolamide hàng ngày khi đến Ladakh ko bạn ha? Vì phía trên mình thấy bạn ghi ở mục dùng phòng ngừa? Nên đọc mình hơi bối rối
    Thanks bạn

    Liked by 1 person

    1. Altitude RX oxyboost là kiểu thực phẩm chức năng giúp bạn làm quen với độ cao, làm giảm các triệu chứng sốc độ cao, còn Diamox giống một loại thuốc uống điều trị nhanh vấn đề hơn. Bạn có thể dùng Altitude mỗi ngày, nhưng vẫn ko hiệu quả có thể dùng thêm Diamox. Bạn có ng quen gì bác sĩ thì hỏi thêm nhé vì tớ cug chỉ dựa theo kinh nghiệm bản thân thôi 😛

      Like

      1. Cảm ơn bạn nhé. Mình sẽ đi Ladakh vào cuối tháng 4 này. Mình chỉ hơi băn khoăn về việc shock độ cao thôi nên muốn tìm hiểu thêm về việc dùng Altitude RX hay dùng Diamox đồng thời.
        Bạn có thể chia sẻ thêm với mình kinh nghiệm của về việc sử dụng Altitude RX và Diamox trong suốt hành trình của bạn ko? Vì mình thấy bạn cũng khá vất vả với việc chiến đấu với độ cao. hehehe

        Like

  5. Chào bạn cho mình hỏi ngày 7 từ Kaza về Manali vào hồ Moon Lake bạn đi bus hay mướn xe và kịp trong 1 ngày ko hay phải dành 1 ngày 1 đêm ngủ ở hồ vậy. Cám ơn bạn

    Like

Leave a comment