Có rất nhiều lí do để bạn đến Nepal trekking. Một ngày thấy cuộc sống mình lặp lại trong vòng chuột chạy nhàm chán, bạn bứt đi một phát đến Himalaya. Hoặc bạn yêu thiên nhiên, nhớ thương mùi của rừng, gió của núi, tiếng bước chân trên những tàn lá khô. Hoặc nữa là bị bồ đá, buồn quá muốn làm chuyện điên rồ vượt lên nỗi buồn, vượt lên chính mình. Còn, nhiều lắm, bạn chỉ có leo núi cực khổ đồ mới thấy vui chứ đi nhàn nhàn bạn không có cảm hứng (bạn mình), rồi đơn giản nữa chỉ là muốn có một trải nghiệm khác trong hành trình du lịch của bản thân ( bà đi chung với mình), hoặc tào lao hơn, như mình, bị rớt visa một nước khác (??!) nên mua vé đi Nepal trám chỗ. Viết tới đây là thấy mình nhảm nhảm, thật sự mình đã có một năm hơi thất bại khi mình plan chỗ nào là bể plan không đi được chỗ đó, rồi thì trám bằng một chỗ khác và nơi trám đó lại thành một trải nghiệm trên cả tuyệt vời.

“Life begins at the end of your comfort zone”

Cho dù mục đích ban đầu của bạn là gì, chỉ cần bạn mang đủ hành trang sức khoẻ và kiên nhẫn với từng bước chân của mình, Himalaya sẽ đốt sạch năng lượng của bạn đến mức tận cùng, khiến bạn kiệt sức, nổi điên, rã rời, thậm chí cảm thấy hối hận vì đã đến đây. Nhưng tin mình đi, Himalaya sẽ trả bạn về nhà mà không quên nạp đầy pin cho bạn, thậm chí bạn nhận ra rằng dung lượng pin thậm chí còn được … nới rộng hơn ( còn pin về cái gì thì tuỳ người hihi).

GIỚI THIỆU CHUNG

Đầu tiên, mình sẽ giới thiệu sơ lược về Nepal để hiểu rõ hơn về đất nước nhỏ xíu mà cao nhất thế giới này.

Nepal nằm ở bờ Nam của rặng Himalaya. Mà Himalaya được hình thành từ hàng chục triệu năm về trước. Khối tiểu lục địa Ấn Độ tách ra từ khối Châu Phi và trôi thẳng về phía khối Á Âu, và vì lực va chạm quá mạnh, lực đẩy của hai khối đẩy phần đất dưới đáy biển nhô cao lên tạo nên dãy Himalaya và cao nguyên Tibet. Himalaya được tạo ra trễ hơn những rặng núi khác, dẫn đến đây là một dãy núi trẻ nhất thế giới, ít bị bào mòn, giữ được độ cao của mình sau chục triệu năm. Tiểu lục địa Ấn Độ đến giờ vẫn tiếp tục tiến sâu vào lục địa châu Á dẫn đến đứt gãy ở bờ Nam Himalaya vẫn tiếp tục cao lên, đôi khi tạo ra động đất.

Himalaya-formation

Himalaya nằm trải dài trên 7 đất nước từ Afghanistan qua Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc, Nepal, Bhutan và Myanmar, với 14 đỉnh núi cao nhất thế giới, là nơi có trữ lượng băng thứ ba thế giới sau Nam Cực và Bắc Cực. Băng đổ xuống tạo ra sông băng, sông băng tan ra tạo thành một cơ số lớn hồ ( hồ Pangong là một ví dụ ) và suối, các dòng suối đổ xuống hợp thành sông. Nước là cội nguồn của sự sống, vì thế Himalaya và cao nguyên Tibet chính là nơi xuất phát điểm quan trọng của sự sống tất cả khu vực xung quanh, nền văn minh Ấn Hằng, sông Trường Giang, sông Hoàng Hà, sông Mekong ….

Về lịch sử, suốt thời kì các nước xung quanh điêu đứng vì thực dân phương Tây, Nepal vẫn không bị thuộc địa hoá và hoàn toàn đóng kín cửa. Từ khoản độ năm 50, Nepal bắt đầu mở cửa chào đón các đoàn trekking từ phương Tây, sau này là Nhật và Hàn Quốc lần lượt đến chinh phục những đỉnh núi cao nhất của mình. Đến tận gần đây, 2008, thể chế phong kiến vua chúa mới sụp đổ ở Nepal thay bằng nền cộng hoà non trẻ nhất thế giới.

Về du lịch, đất nước Nepal là một nước nghèo, thu nhập xương sống của cả đất nước dựa trên du lịch và nông nghiệp. Đến Nepal bạn sẽ thấy cơ sở hạ tầng của đất nước này còn khá xập xệ, đường phố còn ổ gà, hoặc chưa lót nhựa, sân bay nhỏ xíu, nhà cửa còn nhiều khu ổ chuột. Nhưng điều đáng quý là, họ biết đầu tư tiền của mình xây dựng cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch trekking. Du khách sẽ bất ngờ khi đi trên đường quốc lộ thì te tua là thế, nhưng trên những cung đường trekking phổ biến còn được lát đá bậc thang, các lodge nhà nghỉ được xây dựng xinh xắn và vừa đủ tiện nghi với nước nóng năng lượng mặt trời, nhiều nơi có cả wifi chập chờn. Làm sao họ làm được vậy mình sẽ đề cập ở bài cuối cùng thông tin chuẩn bị cho chuyến đi như thường lệ.

BẢN ĐỒ TREKKING Ở NEPAL

nepal-trekking-map

Ở Nepal có thể chia ra thành nhiều khu vực để trekking, nhưng lớn nhất có mười khu vực như bản đồ trên. Chắc chắn bạn sẽ như mình, trước khi đi không biết chọn đi đâu cho đẹp, vừa sức, hợp túi tiền, thì đây mình tóm gọn tất cả sự lựa chọn bạn có thể có trong mười vùng sau đây (lưu ý trong mười vùng này còn có nhiều trail khác nhau) :

Số một, khu vực núi Kailash (6638m):  núi Kailash không nằm trên biên giới của Nepal, nó nằm trên biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng tour trek từ Simikot của Nepal vẫn có thể sắp xếp dc. Đây là ngọn núi linh thiêng nhất trong tôn giáo tín ngưỡng của cả khu vực. Núi thiêng có bốn mặt ứng với bốn hướng chuẩn xác của la bàn, người ta tin rằng băng từ bốn mặt chảy ra thành bốn con sông lớn tạo nên sự sống cho các khu vực xung quanh. Hằng năm người Tibet, người Ấn, đạo Phật và cả Hindu trên cả thế giới vẫn hành hương về đây, đi một vòng quanh núi theo chiều kim đồng hồ và dựng những cây cột treo cờ Lungta. Không ai được phép leo lên đỉnh núi, vì đây là núi thiêng.

Tour trek có độ dài 2-3 ngày. Đi một vòng quanh núi, di chuyển từ 4675 m ~ 5630m. Ngủ tại teahouse và phải có Tibet permit.

Mount-Kailash-Tibet

Số hai, khu vực hồ Rara trek (3710m) : hồ to nhất Nepal, nằm giữa vườn quốc gia với trù phú động thực vật. Một tour trek ở đây ngốn 10-12 ngày và tiền cao hơn các khu khác vì chưa có cơ sở vật chất về nhà nghỉ, dẫn đến bạn phải camping và thuê nhiểu porter hơn để mang đồ cắm trại và thức ăn. Không phù hợp với trekker độc lập ko agency đi kèm.
Rara Lake Trekking

Số ba, khu vực Dolpo (5151m ở đèo cao nhất): bao gồm upper Dolpo và lower Dolpo nên có tuỳ độ cao cho bạn chọn. Thời gian trek từ 8-20 ngày và đi vào một trong những khu vực hẻo lánh nhất của Nepal với văn hoá Phật Giáo Tây Tạng. Điểm nhấn của Dolpo là hồ Phoksundo xanh ảo diệu, mình mém xíu chọn cung này nhưng ngó thấy tiền chát quá nên thôi. Tương tự cung Rara, không nhiều lodge dọc đường nên phải thuê nhiều porter vác đồ camping vì thế giá sẽ cao. Không phù hợp tự đi, cần có agency đi kèm.

Lake_Phoksundo_in_Dolpo,_Nepal

Số bốn, khu vực Mustang ( 4230m ở điểm trek cao nhất) : Thuộc phía Bắc khu Annapurna và đã là một phần về mặt địa lí của cao nguyên Tây Tạng, Mustang đem đến một vương quốc lãng quên với văn hoá Tây Tạng đặc trưng (địa hình sa mạc khô khá giống Ladakh). Khu vực bị hạn chế này được mở cửa cho trekking từ năm 1992 và phí entry là 500 usd/ 10 ngày. Thời gian có thể từ 8-14 ngày cho một tour trek, có agency đi kèm, có lodge dọc đường và ko phù hợp đi vào mùa đông. Đi cung này bạn sẽ tốn thêm hai chuyến bay nội địa : KMD – Pokhara – Jomsom và ngược lại.
upper-mustang-trek

Số năm, khu vực núi Dhaulagiri (6060m ở điểm trek cao nhất) : Nằm phía Tây của khu Annapurna, khá hẻo lánh và chủ yếu dành cho những trekker kinh nghiệm thích thử thách. Camping suốt dọc hành trình 18 ngày nên giá khá cao, đòi hỏi có agency với guide và nhiều porter đi kèm.

dhaulagiri-circuit-trekking

Số sáu, khu vực Annapurna ( 5416 ở Thongla Pass) : khu vực trek truyền thống và phổ biến nhất nhì Nepal. Đem đến rất rất nhiều cung trek khác nhau từ dễ (4-5 ngày) đến khó nhất (21 ngày). Địa hình rất phong phú từ những khu rừng cận nhiệt đến núi tuyết đến sa mạc khô đến rừng thông ôn đới đến ruộng bậc thang cái gì cũng có. Tôn giáo cũng hoà lẫn giữa đạo Hindu, Phật giáo Tây Tạng và đạo Chúa. Nhà nghỉ được xây dựng đầy đủ dọc hành trình. Hoàn toàn có thể trek được không cần agency đi kèm. Ở một số trail căn bản đặc biệt là Poon Hill trek sẽ đông dữ dội, đặc biệt vào mùa lễ hội như tháng 9 và 10 sẽ đông đến mức hết nhà nghỉ.
annapurna-sanctuary-trek

Số bảy, khu vực núi Manaslu ( 5106m ở Larkya La pass): hành trình 13-19 ngày từ Kathmandu đến một trong những khu vực trek ít đông hơn 10 lần so với Annapurna và Everest nhưng vẫn được trang bị đầy đủ teahouse dọc đường. Viewpoint Mu Gompa ở đây là một trong những điểm ngắm Himalaya đẹp nhất Nepal.

Manaslu-Crcuit-Trek

Số tám, khu vực Langtang (4773m ở điểm trek cao nhất) : Thung lũng Langtang nằm ở phía Bắc Kathmandu với nền văn hoá dân tộc Lamang ( tộc người đến từ Tây Tạng ) là một những điểm trek đẹp nhất Nepal, dành cho những trekker muốn chiêm ngưỡng những quanh cảnh hùng vĩ nhất. Trận động đất 2015 đã phá huỷ cơ sở vật chất của cung đường này buộc nó phải đóng cửa trong 1 năm. Nay đã mở lại sau khi cải thiện phục hồi lại cầu đường nhà nghỉ. Tham gia vào tour trek 7-12 ngày này cũng là cách để giúp người dân cải thiện đời sống sau trận động đất chết người. Bạn hoàn toàn có thể trek mà không cần agency với cung đường này.
View Of Langtang Valley, Nepal

Số chín, khu vực Everest ( 5364m tại Everest base camp ) : Khu vực trek truyền thống và nổi tiếng nhất thế giới. Hành trình từ 12-16 ngày ( hoặc hơn nữa nếu đi thêm hồ Gokyo ) sẽ dẫn bạn đến chân núi Everest đỉnh cao nhất thế giới. Không những mang lại cho trekker cảnh quan núi tuyết nổi tiếng nhất mà khu vực này còn dồi dào văn hoá của người dân tộc Sherpa. Cũng như Annapurna, khu vực Everest còn kha khá các cung trek khác cho bạn lựa chọn nếu Everest base camp hơi quá sức hoặc dưới sức :)). Cung trek này gần như là nơi có cở sở vật chất tốt nhất Nepal, thậm chí ngoài những lodge bình thường còn có resort 5 sao cho trekker ở, hoặc giả như giàu nữa bạn có thể thuê trực thăng bay thẳng 1 vòng núi chơi khỏi mắc công trek ( dĩ nhiên chi phí đủ để đi làm năm năm trả nợ ).

1478260855-1478260772-view_of_everest_through_prayer_flagsjpg

Số mười, khu vực Kanchenjunga ( 5200m ở North Base Camp ) : Mặc dù cảnh quan ở đây là một trong những nơi tuyệt đẹp nhất của Nepal, nhưng du khách đến đây khá ít vì trước đây cung đường này chỉ có thể cắm trại. Nhưng những năm gần đây, teahouse với những cơ sở vật chất tối thiểu đã có mặt để phục vụ những trekker thích mạo hiểm và dư thời gian. Ở đây có hai base camp, Bắc và Nam. Đi hết cả hai mất 24 ngày. Đi một trong hai mất 15-19 ngày tuỳ camp. Vậy vì sao nên đến đây? Vì ở đây đem đến cho bạn sự đa dạng và phong phú nhất trong cảnh quan ( từ những khu rừng cận nhiệt đến rừng thông ôn đới đến sông băng và những thảo nguyên rộng… ), văn hoá ( HIndu, Phật Giáo .. ) và cả dân tộc ( người Sherpan, người Tibetan, Rai, Limpu, Gurung ….)
kanchenjunga-circuit-trekking

BẢN ĐỒ TREKKING KHU VỰC ANNAPURNA

Vì mình đã chọn đi Annapurna nên đã reseach khá kĩ và thậm chí còn mua sách hướng dẫn đọc ( y như luyện thi Đại Học haha). Ngoài khu vực Mustang và một số khu vực Nar-Phu khá là xa xôi hẻo lánh, mình thu hẹp giới thiệu sơ về bốn trail căn bản nhất của Annapurna như sau :

Poon Hill trek (3210m) / mức độ dễ : phổ biến nhất, nhiều người đi nhất, đông nhất :)) Gần như kiểu leo Fansipan nhà mình, ai ai cũng đi. Trên cung đường này bạn sẽ bắt gặp kha khá du khách Trung Quốc, những người chỉ muốn đi thoáng qua Himalaya cho đỡ cực. Nói là thoáng qua, nhưng trail này cũng ngốn của bạn 4-5 ngày cho hai ngày lên và hai – ba ngày xuống. Trail bắt đầu ở Nayapul đến Poon hill và xuống lại Nayapul nhưng bằng đường khác. Căn bản thì Poon Hill là điểm ngắm Himalaya nổi tiếng nhất, dễ đi nhất, nhưng chưa đẹp nhất, và tại điểm ngắm đó hãy chuẩn bị tinh thần có cả trăm người khác cũng lên ngắm chung với bạn ( mình ko có vấn đề về vụ này lắm vì cái đồi cũng khá to).

flat map

Rồi ba cái còn lại thì mình có edit một cái bản đồ cho bạn dễ hình dung và so sánh.

Khopra Danda ( 4660m) / mức độ trung bình khó : Bạn nhìn vào trail màu cam trong bản đồ trên ( bắt đầu ở Nayapul và kết thúc ở Tatopani) . Khopra Danda 6 ngày trek dẫn bạn đến một trong những điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất Nepal : Khopra Lodge và hồ thiêng Khayer Lake nằm sâu trong sườn núi Annapurna South. Đây là một trail mới, chia sẻ hai ngày đầu hành trình với Poon Hill và tách ra một lối đi khác ít người một cách đột ngột bốn ngày sau đó. Trail này phù hợp với người không có quá nhiều ngày để du lịch nhưng vẫn muốn đi sâu trải nghiệm Annapurna. Bù lại thì dù 6 ngày nhưng càng về sau ngày nào đi dài chết ngày đó.

Annapurna Base Camp (4130m) / mức độ trung bình khó : Nhìn vào trail màu xanh nhé. Đây là một version 10-12 ngày dễ thở hơn của Everest Base Camp. Nhưng thay vì như những cung khác dẫn bạn đi vòng quanh núi và đến những điểm ngắm tuyệt vời, ABC dẫn bạn vào một thung lũng hẹp và bao quanh bởi những đỉnh núi tuyết trắng, cuối cùng là đến base camp tại chân núi. Nhìn hình phía dưới, bạn sẽ thấy Khopra Danda đi ra vòng ngoài của cụm núi Annapurna và có tầm nhìn xa, còn ABC dẫn bạn vô chỗ hõm bao quanh bởi núi. Bạn guide mình nói Khopra ngắm cảnh đã hơn ABC, mình thì chưa đi ABC nên cũng không dám khẳng định.

3d map

Annapurna Circuit ( 5416m) / mức độ khó : ok bạn hãy nhìn trail màu đỏ :)) nếu như Khopra và ABC chỉ chiếm 1 góc tư bản đồ, thì cái line màu đỏ bao trọn lấy cả khu vực là bạn biết mức độ khủng của nó thế nào. Mất tối thiểu 16 ngày để đi hết trail đó nếu từ Tatopani bạn về bằng xe, còn nếu muốn trek tiếp thì tính thêm ngày. Trước khi mình đi một tháng có thằng bạn đi trail này mà không cần porter không cần guide, nhìn hình bạn chụp đẹp muốn ná thở và cũng phục quá phục vì có thể đi hết được chặng đường khó khăn đó ( mà còn vẽ tranh màu nước dọc đường, đệch … ).

KHOPRA DANDA ITINERARY

Mình cần đề cập trước đây chỉ là hành trình Khopra mình tìm được từ trang kimkim và gửi cho agency dẫn mình đi, với các agency khác họ có thể cung cấp hành trình khác dài hơn, ngắn hơn hoặc đi khác hẳn. Nhưng mấu chốt của trail này vẫn là đến được Khopra Community Lodge và Khayer Lake.

  • Ngày một: Bay đến Kathmandu vào buổi tối. Agency đón ở sân bay. Qua đêm ở khu Thamel.
  • Ngày hai:  Bay đến (45 phút)  / hoặc đi bus (10 tiếng) đến Pokhara. Ngủ đêm ở khu Lakeside.
  • Ngày ba: đi xe đến Nayapul 1030m (1 tiếng ) và trek đến Tirkhedhunga (1488m) khoảng 3-4 tiếng.
  • Ngày bốn: Trek đến Ghorepani (2875m) khoảng 6 – 7 tiếng.
  • Ngày năm: 5h sáng trek một tiếng lên Poon Hill (3200m) ngắm bình minh. Trở về Ghorepani dùng bữa sáng và trek đến Swanta (2200m) khoảng 5 tiếng. (Nếu đến Swanta thì bạn sẽ tới sớm khoảng 1h trưa, thành ra rảnh cả chiều, nhưng nếu trek tiếp lên Upper Chistibung (3000m) thì mất thêm 3-4 tiếng lại thành ra quá đuối quá mệt. )
  • Ngày sáu: Từ Swanta trek lên Upper Chistibung dùng bữa trưa và trek lên Khopra Community Lodge (3640m) mất 7 – 8 tiếng.
  • Ngày bảy: Trek đi hồ thiêng Khayer lake (4660m) và về lại Khopra trong ngày. 6 tiếng lên và 4 tiếng xuống.
  • Ngày tám: trek xuống Tatopani (1250m) 7 – 8 tiếng. Tận hưởng suối nước nóng.
  • Ngày chín: Tatopani đón xe jeep/ taxi/ bus về Beni. Từ Beni đi taxi về lại Pokhara. (815m) 4-5 tiếng. ( lưu ý nếu bạn tự trek thì sẽ có vấn đề nếu bạn mua gói vào Annapurna 1 lần, khi đến Beni là bạn đã ra khỏi khu, và khi về lại Pokhara là bạn đã đi ngang qua một lần nữa, họ sẽ đòi quyền đăng nhập vào khu một lần nữa, nếu đi với agency thì ko lo điều này).
  • Ngày mười: Sáng bay về Kathmandu. Từ KMD bay về lại VN.

Tạm thời thông tin chung chung vậy đi. Đến bài cuối mình sẽ nói kĩ hơn về agency, chuẩn bị thứ gì, chuyến bay, khách sạn, ăn ở, visa sau.

Còn bây giờ, theo mình leo Khopra hén.

 – NGÀY KHÔNG –

KATHMANDU (येँ महानगरपालिका) ĐẾN POKHARA (पोखरा)

Sáng đó tụi mình co ro thức dậy trong cái lạnh tê tê của Kathmandu. Nhiệt độ ở ngoài như những ngày Hà Nội vào đông. Chỉ khác cái là ngoài kia cửa sổ những khuôn nhà gạch chất chồng lên nhau nghẹt thở và không có bóng dáng của cây cối.

IMG_5751 IMG_5754

Khu Thamel là thánh địa của dân du lịch, giống kiểu phố Tây Bùi Viện ở mình. Đến tối khuya hôm trước đường phố vẫn tấp nập và náo nhiệt. Mọi thứ về KMD sẽ khá ấn tượng và thoải mái nếu bạn chỉ đi loanh quanh trong khu Thamel – chứa đầy những agency tổ chức leo núi, cửa hàng đồ lưu niệm, bán nhang đèn xà bông, bán trà, bán lụa thảm cực chất, nhà hàng địa phương và thức ăn đường phố. Nhưng chỉ cần ra khỏi khu Thamel bạn sẽ tận hưởng được ô nhiễm bụi kinh hoàng với đường phố kẹt cứng xe hơi xe máy.

IMG_5774 IMG_5796

IMG_5805 IMG_5810

Sáng đó tụi mình chỉ có một tiếng hơn loanh quanh trong khu Thamel. Đường phố ở khu này đúng kiểu trong phim Doctor Strange, nhỏ nhỏ và cổ cổ, bán đầy những thứ thú vị, chưa kể mùi nhang trầm và gia vị quyện vào nhau rất thơm. Hẳn bạn còn nhớ trận động đất 2015 đã tàn phá nặng nề Nepal? Khu Thamel vẫn còn dấu hiệu khắc phục sau trận động đất, đây đó vẫn còn những khu đất đầy xà bần, những ngôi đền chống mái tạm bợ và cả những căn nhà gạch mới toanh chưa tráng.

Có hai thứ cần lưu ý trong khu này : một là mua gì cũng phải trả giá sát ván, hai là đừng để những người nepal tới bắt chuyện dẫn bạn đi tham quan vì họ sẽ charge tiền vào cuối tour đó.

IMG_5817

Bên trái là Kisan anh chủ của agency Goodvibe Adventure. Mình biết đến agency này qua giới thiệu của nhỏ bạn. Bên phải là bà chị từng làm chug công ty. Thành tích tới giờ là chưa từng trekking nhưng trek thẳng Himalaya với mình :))

IMG_5819

Sân bay ở Kathmandu là một mớ bòng bong từ bên quốc tế qua nội địa. Cách thức vận hành siêu rối và thiếu chuyên nghiệp, nhất là đoạn lấy hành lí và hải quan. Bên nội địa thì có vẻ đỡ hơn, nhưng nó lại giống … bến xe nhiều hơn. Tụi mình chỉ cần chìa vé ra quầy là được phát ngay boarding pass mà mình thề dòm như vé xé vô Đầm Sen park :)) Ngay lập tức có nhân viên bắt tụi mình cân đồ, xong cân luôn … tụi mình (!!!). Cân xong thấy tính toán lắc đầu ( ở Nepal lắc đầu là gật đầu) gì đó xong dẫn thẳng hai tụi mình ra máy bay, nói máy bay sắp … bay rồi. Chưa hết bất ngờ, máy bay nhỏ hết hồn, nhỏ lắm lắm lắm luôn =))))

Đến đoạn bước vô là mình khum xuống, ở giữa máy bay có một cái bậc nhô lên là thiếu điều mình muốn chui qua =)) Máy bay chở được 18 khách, muốn ngồi đâu ngồi, tips là nên ngồi bên phải để thấy rặng Himalaya, nhưng vì hai đứa mình là khách cuối nên đành ngồi băng ghế cuối ( y như xe buýt ). Máy bay chuẩn bị cất cánh là nhân viên khum người đi phát … kẹo và bông gòn. Kẹo thì cũng lạ rồi nhưng bông gòn thì 2 giây đầu mình đã đơ mặt ra ko hiểu =)))))) Yên tâm đi máy bay chỉ cần cất cánh là bạn hiểu ngay tại sao cần bông gòn đút tai =)))))) Suốt cái đoạn này mình kiểu vừa bất ngờ vừa mắc cười mãi.

IMG_5890

IMG_5840

Trái với một Kathmandu chật chội và bụi bặm, Pokhara như một thành phố ven hồ đầy cây xinh xắn. Khu Lakeside là trung tâm của Pokhara và cũng là khu dành cho khách du lịch, uốn lượn dọc theo bờ hồ Phewa yên bình.

IMG_5850 IMG_5855

Hôm mình đến là ngày lễ hội Hindu. Chiều hôm đó ngay đền Tal Barahi nằm trên một cù lao nhỏ trên hồ đông khách hành hương đến khiếp vía. Mới đầu tưởng có … ngày hội chèo thuyền hay sao ai cũng bu nhau lấy áo phao ra đi thuyền, ai dè đâu đi chùa. Tiền thuê áo phao cỡ 50 rupee một áo nhưng tiền đi thuyền thì là 100 rupee ( 100 rupee cỡ 1 usd ).

Đền Lake Temple thờ nữ thần Barahi. Ngôi đền thật ra nhỏ xíu, đi một vòng quanh cù lao mất 2 phút rồi về.

IMG_5860 IMG_5872

Nè anh, em của ngày xưa chết sồiiiii. Phút ấy anh còn nói “Anh mệt sồi…Mình dừng lại thôi”, lồng tiếng Nepalese.

IMG_5875

Pokhara vui lắm nhé. Đủ thứ trò để bạn chơi : nhảy dù, đi dù máy lượn, đi nhảy bungee, đi đạp xe leo dốc lòi le, đi chèo kayak, đi chèo phao, đi chèo thuyền công viên kiểu Doremon. Hồ Phewa phẳng lặng không có sóng, là trung tâm của tất cả trò vui. Nhưng không vì vậy mà hồ mất đi vẻ tĩnh tại của nó. Chiều xuống Pokhara sẽ chìm trong tối sớm hơn do ánh mặt trời đã nằm lại sau những dãy núi cao.

IMG_5880

Từ khách sạn, mình vẫn có thể thấy dãy núi Annapurna đỏ rực trong ánh hoàng hôn. Lúc đó mình băn khoăn ko biết Khopra Danda là leo tới đâu. Và không biết rằng, à là leo vô cái cạnh bên trái của đỉnh Annapurna South trong hình đó ạ =)) Buổi tối dọc đường Lakeside có hành trăm nhà hàng, giá cũng chát chứa không đùa, nhưng cũng có những nhà hàng local giá rẻ mình sẽ review sau.

Về khoản đồ lưu niệm, trà xà bông thảm các thứ mình khuyên bạn về Kathmandu để được giá tốt hơn. Dù biết vậy, nhưng đi dọc Lakeside bạn cũng sẽ ko kiềm lòng được mà vẫn mua hết xiền như mình thôi … nhiều khi dặn cho vui vậy ấy mà…

– NGÀY MỘT –

NAYAPUL 1030M ĐẾN TIRKHEDHUNGA 1488M

Buổi sáng đó xe taxi chở hai đứa mình cùng bạn porter và guide qua một đoạn đường đèo giật disco. Cỡ hơn một tiếng là đến được Nayapul, điểm đầu của cung Poon Hill và Khopra Danda. Trekker tập trung ở đây nhộn nhịp, porter và guide bận rộn xử lí ba lô của khách. Xà quần cỡ chừng 15 phút là hành trình bắt đầu.

IMG_5894

IMG_5902 IMG_5903

Ngày đầu hành trình sẽ kiểu trek làm quen :)) cỡ 3 đến 4 tiếng thôi. Nửa đầu hành trình bạn men theo một con đường đất xe jeep chạy được, nên tha hồ hứng bụi mỗi lần xe chạy qua.

IMG_5907 IMG_5910

Đến Nepal muốn đi trek bạn phải chuẩn bị TIMS card và permit. TIMS nghĩa là Trekkers’ Information Management Systems – một dạng quản lí trekker cho dễ hiểu là lỡ bạn có mất tích còn biết đường mà tìm. TIMS fee cũng được đóng với giá 1000 rupee/ người cho trekker đoàn, 2000 rupee/ người cho trekker độc lập. ACAB Permit (Annapurna Conservation Area Entry Permit) thì có giá 27 usd / 2700 rupee / người cho một single trip. ( vụ này mình sẽ nói kĩ hơn ở bài cuối). Nhưng quan trọng là cả hai loại giấy tờ TIMS card và ACAB permit bạn phải giữ như hộ chiếu trong suốt quá trình trek, sẽ có những check point xét giấy tờ của trekker dọc đường.

IMG_5912 IMG_5915

IMG_5917 IMG_5918

IMG_5919 IMG_5920

IMG_5921

Có một điểm cần phải công nhận gấp là teahouse và lodge dọc đường rất xinh ( ít nhất là ở những đoạn nhiều người đi ). Như trên hình là một teahouse nằm trên một hẻm suối, bên kia là ruộng bậc thang, cảnh hữu tình lắm các mẹ ạ.

IMG_5922

IMG_5947 IMG_5952

Nêú bạn có từng xem phim Everest và xem album trek của cung EBC sẽ thấy hình những chú bò yak làm công tác chuyên chở. Bên ABC thì là ngựa và lừa. Những con lừa cần mẫn khuân vác những nhu yếu phẩm và lương thực cung cấp cho những teahouse và lodge, có khi khuân cả vật liệu xây dựng. Xây nhà ở đây thiệt tốn tiền và kì công, không biết bao lâu mới xây xong khi cứ như kiến tha lâu đầy tổ thế này.

IMG_5959

Hai tiếng sau của hành trình là những bậc thang đá leo dốc, đường rất xinh, đẹp và ít bụi hơn khúc đầu. Cho tới lúc này thì mình vẫn khoẻ, chỉ hơi ngán nắng nóng một chút.

Khung cảnh của ngày đầu làm mình có cảm giác liên tưởng đến Tây Bắc với những hẻm núi và ruộng bậc thang xếp chồng lên nhau. Khi thấy bảng Tirkhedhunga là bạn đã hoàn thành xong ngày đầu. Mình hoàn toàn có thể trek thêm, nhưng cần phải giữ sức, cho dù bạn có tự đi một mình không theo tour nào, thì cũng nên giữ sức vì đây là hành trình trek dài ngày. Ngoài chuyện tăng độ cao với tốc độ vừa phải để cơ thể kịp thích nghi với độ cao, còn là để chân được nghỉ ngơi, nhất là với đám bánh bèo văn phòng như tụi mình. Và yên tâm những ngày sau bạn sẽ được đi rất dài, không việc gì phải vội.

IMG_5960

IMG_5964

Tirkhedhunga là một trong những ngôi làng đẹp nhất cung đường Khopra Danda. Nhà cửa xây cực xinh với ba màu xanh, đỏ và trắng. Ngôi làng đã qua mùa gặt, những cánh đồng bậc thang nằm trơ trụi dưới nắng chiều, rơm rạ được người dân xếp thành những ụ rơm to trên sườn núi. Không gian yên bình. Nhà cửa rừng cây cánh đồng cháy rực trong ánh nắng cuối ngày, chỉ cần vài khoảnh khắc nữa, mặt trời hạ sau triền núi, thung lũng sẽ sớm chìm dần vào bóng tối. Chỉ có những nhà nghỉ đông trekker là còn sầm uất đến tận trời tối.

Tụi mình để ý bạn guide không chọn cho tụi mình nhà nghỉ đẹp nhất, vui nhất, trong suốt hành trình bạn chọn những nhà nghỉ vắng nhất. Có lẽ anh ấy đang chia đều trekker để giúp những người dân ai cũng có thu nhập.

Một nhà nghỉ dọc đường sẽ có những tiện nghi cơ bản là phòng dorm toilet chung, phòng đôi/ ba có toilet đính kèm/ toilet chung, nước nóng năng lượng mặt trời, giường nệm và chăn dày, wifi free hoặc 100 rupee/ người, có bếp phục vụ những món Tây / món địa phương cơ bản với giá được niêm yết đồng nhất cho toàn vùng. Thật sự, có một sự quy hoạch và quản lí rất nhất quán ở đây để không ai phá giá cũng không ai chém giá.

Tuy nhiên giá khá đắt : 100 rupee/ chai nước lọc, 200 rupee/ nước trái cây, 650 rupee cho một bữa cơm dahl brat truyền thống nepal, 300-400 rupee cho một tô mì gói … Mặc dù vậy trên núi người ta vận chuyển đồ dùng khó khăn nên thông cảm thôi.

IMG_5990

IMG_5998 IMG_6010

Tụi mình trải qua một đêm yên tĩnh ở đây. Đêm về trời lạnh như những đêm Đà Lạt tháng 12. Mà ở đây chỉ cao 1488m, nghĩa là lên cao càng lạnh nữa.

– NGÀY HAI –

TIRKHEDHUNGA 1488M ĐẾN GHOREPANI 2875M

Ngày thứ hai là một ngày khá dài, căn cứ theo vận tốc đạt được của chị đi chung ngày hôm qua Krishna phán sẽ tốn 7 tiếng :))))

Hành trình ngày hôm nay chia làm hai phần : nửa đầu đi xuống một chút rồi leo dốc bậc thang đứng, nửa sau thoai thoải lên cao qua rừng.

IMG_6038

Bé con của cô chủ nhà, còn nhỏ mà chảnh lắm nhe, xin chụp hình nhất định quay đi, hồi sau giả bộ giận không chụp nữa thì làm mặt vầy nè. :))

IMG_6043

IMG_6048 IMG_6051

Từ mốc băng qua một cây cầu treo là đoạn bậc thang đứng chào đón bạn. Dọc đường hoa anh đào nở có khi rợp cây đẹp quá đẹp, mình để ý còn rất nhiều cây khác gốc cổ thụ dọc đường, mùa xuân nở rội chắc còn đẹp dữ.

IMG_6053

Cảnh thì đẹp thiệt nhưng leo dốc cầu thang thì mệt ná thở, vừa đi vừa thở như bò. Nhưng thật ra để đi tốt bạn không nên thở mạnh, giữ hơi thở cân bằng và nhịp nhàng, mệt quá thì cứ bước chậm lại, uống nhiều nước, là sẽ tới thôi.

IMG_6058

IMG_6070

Đây, tới đoạn hết dốc rồi nè. Mình còn nhớ chỗ này tên là Super View Lodge :)) Công nhận Super View thật, ban công đẹp mơ màng, bình minh chắc đẹp phải biết. Cũng từ đây sim Ncell mất sóng, nếu được bạn nên mua mạng khác, Ncell hơi cùi, ông guide dùng mạng gì mà có sóng hết cả hành trình.

Từ đoạn mốc đó trở đi đường trở nên thoai thoải dốc nhẹ. Annapurna South đã lấp ló trước mặt.

IMG_6078

IMG_6108 IMG_6111

IMG_6118

Lúc này bọn mình đã đi sâu vào rừng ở độ cao trên 2500m, hai bên cây cối um tùm và suối chảy róc rách. Càng vào sâu đường càng lạnh, đã vậy mây còn giăng kín trời.

Còn gặp một bầy khỉ siêu to, lông màu trắng xám xù ra mặt thì đen thui. Có một con nhảy xuống tận mặt đường nhưng ngay lập tức đu lên ngay và bỏ chạy, tay mình ko đủ nhanh để chụp, về search tìm hiểu thì có lẽ là giống Chamba sacred langur.

IMG_6121

Đây con khỉ chà bá ấy.

IMG_6124

Đi mệt quá mệt thì rốt cuộc cũng tới Ghorepani. Đây có lẽ là ngôi làng hiện đại nhất và hoành tráng nhất với đủ loại nhà nghỉ to bự mấy tầng bằng xi măng. Nghe bảo đến mùa cao điểm tất cả phòng ở đây đều kín chỗ. Tụi mình đã đến độ cao trên 2800m, đi vào trong mây, trời bắt đầu vào cuối chiều, gió thổi lạnh run hết cả vì trên người vẫn còn bộ vía mỏng lét trek từ 1400m lên.

IMG_6127

Tụi mình ở nhà trọ Fishtail, những 4 5 tầng. Nhưng phòng thì chu cha lạnh quá lạnh. Tối đó lòm còm bò xuống lò sưởi ngồi hơ tay không dám lên phòng. Đồ ăn ở đây menu phong phú hơn tất cả những điểm khác trong hành trình.

Quên mất, hôm đó cũng là sinh nhật mình. Sinh nhật năm nay quyết tâm chơi lớn, ăn mừng trên Himalaya. Mình đã gọi một dĩa spagetti phô mai trứng cực hoành tráng, nhìn tròn vo như cái bánh sinh nhật, vị khá giống lasagna, bữa ngon nhất hành trình luôn.

Tối đó dù lạnh cóng nhưng nhờ mền dày nên cũng ấm được tí. Bọn mình chìm vào giấc ngủ, với hứa hẹn 4h30 sáng phải dậy đi trek lên Poon Hill ngắm bình minh.

– NGÀY BA ĐOẠN 1 –

GHOREPANI 2875M ĐẾN POON HILL 3200M

 

IMG_6129

Trời tờ mờ sáng, khỏi nói bạn cũng hiểu 5h sáng bước ra khỏi nhà nghỉ nó lạnh cỡ nào. Xung quanh trên nền cỏ có sương giá đóng trắng. Hành trình trek lên Poon Hill ngốn cỡ hơn 1 tiếng nhưng dài như vô tận và cũng mệt như cực hình vì toàn bộ đường là bậc thang đá dốc đứng.

Đường khá hẹp, lũ lượt người nối đuôi nhau trek thành một hàng dài lấp lánh giữa màn đêm. Xa xa chân trời đã nhá nhem sáng. Mệt quá đứng lại thở bạn sẽ cản đường người phía sau, nên buộc phải dấn tới, miệng há cố hớp từng hơi thở cho lồng ngực đang rát bỏng vì oxy đã hơi loãng. Tim tớ đập thình thịch, đôi lần hơi mắc ói vì mệt quá.

Nhưng rồi cũng tới nơi.

Ngọn đồi cao với góc nhìn panorama khắp khu trơ mình ra đón gió rét. Hai đứa ngồi ngay ghế hạng nhất với view nhìn hạng nhất nhìn thẳng về đỉnh Annapurna South và ba đỉnh Annapurna I, Hiunchuli, Machhapuchhre. Miệng không ngừng suýt soa dm lạnh quá dm đẹp quá :))

IMG_6135

IMG_6185 IMG_6186

IMG_6188

Rồi mặt trời ửng dần lên, trồi lên khỏi triền núi phía Đông như một hòn lửa đỏ, thắp sáng đỉnh núi tuyết rực lên khỏi nền trời tranh sáng tranh tối.

IMG_6207

IMG_6210 IMG_6222

Khoảnh khắc lúc đó đẹp đến diệu kì. Trời ơi Himalaya đang sáng ửng lên trong một bình minh huyền diệu. Ở phía Đông xa xa những lớp núi cam đỏ đè chồng lên nhau như những layer màu của photoshop.

IMG_6231

Trong khi đó, rãnh núi Kali Gandaki vẫn còn chìm đắm trong bóng tối và lớp sương mù xanh thẳm. Ở dưới kia, mọi người hẵng còn đang ủ người trong lớp chăn dày ụ. Còn trên đây, một đám khác đang phơi mình ra buốt giá để đón lấy những tia bình minh sớm nhất của ngày thu Himalaya.

IMG_6244

Dãy Dhaulagiri ở phía Tây cũng được thắp sáng dần, ửng đỏ lên khỏi bóng tối của biển mây.

IMG_6252

Cả một đại dương mây từ từ sáng dần sáng dần, chốc nữa thôi mặt trời sẽ lên cao, thổi bay đám mây kia trả lại bầu trời tháng 11 trong veo.

IMG_6261

IMG_6262

Lúc này mặt trời đã lên cao. Mình vẫn tiếc nuối chạy qua chạy lại ngắm nghía và cố ôm hết những cái đẹp vào máy chụp hình, nhưng dĩ nhiên là không thể. Đỉnh Annapurna South là đây, ngày mai, tụi mình sẽ trek lên sườn núi có những mảng tuyết đổ dài kia.

IMG_6266

IMG_6264

Nhưng trước hết, phải về ăn sáng, chuẩn bị trek tiếp xuống rãnh núi Kali Gandaki cả ngày hôm nay. Bao nhiêu mệt nhoài của buổi sớm trekking giờ mình đã quên hết, chỉ thấy lòng khấp khởi nghĩ về những thứ đang đợi mình những ngày tiếp theo.

Đọc tiếp phần hai ở đây nhé.

9 Replies to “NEPAL P.1: POON HILL”

  1. Bài viết hay quá anh ơi, hóng những bài viết tiếp theo của anh lắm.
    Năm ngoái cũng vì đọc được loạt bài về Bắc Ấn của anh mà em đã có cảm hứng để đi Ladakh vào tháng 10 vừa rồi. Cảm ơn anh nhiều lắm! 🙂

    Liked by 1 person

  2. Chết rồi Q ưi, đọc lại cảm giác lại xốn xang, quên hết mịe bao nhiêu mệt nhọc rồi chỉ nhớ những lúc gặp cảnh đẹp ẩn giữa những dãy núi cánh rừng hay lúc ngồi móc mỏ không biết làm gì giữa chốn bình yên chiều tà ở những teahouse. Chắc chệ ko vô team Khuê được rồi, mai mốt biết đâu lại lết đi trek tiếp chăng hahahaha. Còn có chút hối tiếc vì ko liều lết đại lên Khayer Lake để bỏ xác giữa núi rừng :)))

    Like

Leave a comment