Vùng đất cuối trong loạt bài về Vân Nam của mình là Shangri-la, một nơi vốn dĩ với sự đam mê văn hoá Tây Tạng có lẽ mình đã rất thích, nhưng tận mắt đến nơi, tận mắt chứng kiến cách người Hán biến đổi những giá trị tôn giáo thiêng liêng của người Tạng thành những địa điểm du lịch bán vé khiến mình trở nên dị ứng. Nên trước khi đi nói chuyện du lịch như thường ngày, mình nói nhanh chuyện lịch sử, cách Tây Tạng đã mất nước để bạn hiểu rõ được tình cảnh của Shangri-la hiện giờ. Bạn nào ngán lịch sử có thể kéo qua, nhưng sẽ phải kéo hơi mệt vì một khi mình đã lạc đề mình lạc rất xa :))

Shangri-la vốn dĩ là tên gọi của của một vùng đất hư cấu trong tiểu thuyết The Lost Horizon, một thiên đường hạ giới được bao bọc bởi Himalaya, một thung lũng phụng thờ Mật tông giáo, mọi người sống hạnh phúc trong vĩnh hằng và già đi rất chậm. “La” có nghĩa là đèo cao, nếu đã đi Ladakh chắc bạn sẽ nhớ đến Khardung La, Chang La, Taglang La … “Shangri” là núi Shang. Vì vậy tên Shangri-la vốn dĩ là Shang Mountain High Pass. Năm 2001, người Trung Quốc đặt lại tên cho Gyalthang thành Shangri-la, một huyện thuộc về Deqen, vốn dĩ là một phần của vương quốc Tây Tạng ngày xưa, với mục đích thu hút du lịch về vùng đất này nhiều hơn. Nhìn bản đồ bên dưới, bản đồ của Tây Tạng lúc trước khi bị Trung Quốc xâm lược, bạn có thể nhìn thấy Gyalthang ( hay Gyelthang) nằm trong huyện Deqen ( hay Dechen).

Tibet-Map-Large

Tây Tạng từng là một đế quốc hùng mạnh trong lịch sử, từng tấn công nhà Đường, buộc hoàng đế điêu đứng và gả con gái rồi kí hoà ước. Mà không chỉ tấn công Trung Quốc, Tây Tạng cũng từng tấn công xâm lược rất nhiều đất nước xung quanh trong suốt thời kì huy hoàng. Nhưng đó là chuyện trong gần 900 năm sau công nguyên, khoảng thời gian sau đó là thời kì Tây Tạng liên tục bị xâm lược, xâu xé, hoặc tự chia rẽ nội bộ. Hai thời kì bị xâm lược dài lâu nhất là nhà Nguyên – Mông ( nghe quen không? ) và nhà Mãn Châu ( nghe còn quen dữ !). Vị Đạt La Lạt Ma thứ 5 (1617-1682) được biết đến như vị Đạt La Lạt Ma đầu tiên thống lĩnh đất nước và nắm quyền lực chính trị trên toàn vùng Tây Tạng. Chế độ cai trị lấy phật giáo làm xương sống và người đứng đầu đất nước là Đạt La Lạt Ma đã duy trì từ đó đến năm 1959.

Sau khi nhà Mãn Châu bị lật đổ tại Trung Quốc năm 1911, Tây Tạng nhân cơ hội này tuyên bố độc lập. Nền độc lập này kéo dài 39 năm đến khi Mao Trạch Đông đem quân xâm lược Tây Tạng năm 1951. Đảng Cộng Sản Trung Quốc gọi đây là Giải Phóng Hoà Bình Tây Tạng, nhưng với cả thế giới, đó thực chất là một cuộc xâm chiếm. Lí do Trung Quốc đưa ra là vì Tây Tạng từng chịu kiểm soát bởi người Mông và người Thanh, nên Trung Quốc có quyền cai trị ( và cũng ko thể phủ nhận chuyện vùng đất của người Mông và người Mãn đều đã về tay Trung Quốc). Với lí lẽ như thế này, Trung Quốc cũng có thể áp dụng cho Việt Nam nếu chiến thắng cuộc chiến tranh biên giới ngày ấy.

Để xem được một nhát cắt lịch sử vào thời kì trước 1951 được hư cấu chút xíu thì bạn có thể xem phim Seven years in Tibet do Brad Pitt đóng.

Tây Tạng vốn bao gồm ba khu vực : U-Tsang, Amdo và Kham. Amdo sau đó bị phân nhỏ và sát nhập vào các tỉnh Tứ Xuyên, Thanh Hải… Cũng tương tự với tỉnh Kham cũng sát nhập vào Vân Nam, Tứ Xuyên … Khu vực U-Tsang và tây Kham sau được gọi là khu tự trị Tây Tạng và bị người Hán cầm quyền. 1959, như đã từng kể trong bài hồ Pangong, Đạt Lai Lạt Ma 14 cùng 80000 người Tạng đã lưu vong bằng con đường hồ Pangong đóng băng để đến Ladakh, sau một cuộc nổi dậy không thành, nhằm tìm kiếm tự do và công lý cho dân tộc mình.

Từ đó trở đi, Trung Quốc đã cai trị Tây Tạng bằng phương pháp triệt tiêu văn hoá, đồng hoá người dân thành người Hán. Hàng loạt phong trào, chính sách bất nhân và tàn ác được đặt ra. Chẳng hạn như cải cách ruộng đất, người cộng sản thu gom ruộng đất của địa chủ, của tăng lữ, hô hào sẽ phân phát cho người nghèo, nhưng thực chất ruộng đất đó được phát cho những TÙ NHÂN người Hán bị ép lên đây khai khẩn cho đến lúc mãn hạn tù. Đồng thời, họ chỉ định ra những người địa chủ ( có thể là một người nông dân, tăng lữ, địa chủ bất kì) để đem ra đấu tố, bắt những người dân khác phải sỉ nhục, bắn giết, lên án cho dù ko có tội đi nữa. Những người thân của người bị đem ra đấu tố cũng bị cách ly, sống trong sự chèn ép.

Untitled-1

Phật giáo mật tông là xương sống của nền văn hoá Tây Tạng. Nên với sự dày dặn kinh nghiệm trong việc đồng hoá văn hoá, người Trung Quốc biết rằng chỉ cần tiêu diệt được Phật Giáo, vết tích của Tây Tạng sẽ tiêu biến. Truy nã Đạt La Lạt Ma, chọn ra Ban Thiền Lạt Ma là người thân Hán, đốt tu viện ( Larung Gar), đốt sách, phá di tích, bắt tăng lữ hoàn tục. Ai không nghe sẽ bị đánh đập, bỏ tù, hoặc bị đem đi thủ tiêu không bao giờ trở về.

Hàng loạt cuộc nổi dậy, biểu tình, tự thiêu đã diễn ra suốt từ 1951 đến tận ngày nay, và đều kết thúc trong sự trấn áp đẫm máu của quân đội Trung Quốc, số người chết lên đến trăm ngàn trong một cuộc nổi dậy.

Giờ đây, người Tạng trở thành thiểu số 20%  trên chính đất nước của họ, 80% còn lại là người Hán. Ngay trong Lhasa, người Tạng muốn đi đâu cũng phải mang theo 5 giấy tờ tuỳ thân, và bị khám xét theo từng chặng kiểm soát, thậm chí không được cấp hộ chiếu để ra nước ngoài. Người Hán nắm hết quyền lực, nắm kinh tế, nắm hết những bất động sản chủ chốt.

dalailama2

Đạt La Lạt Ma thứ 14 hiện nay đã hơn 70 tuổi. Theo truyền thống, khi một vị Đạt La Lạt Ma qua đời, ông sẽ tái sinh thành một đứa trẻ ở một gia đình nào đó, chỉ được tìm ra khi các vị Lama đến hồ thiêng Lhamo Lhatso để thấy tiên đoán về sự tái sinh đó. Nay, Trung Quốc đã cấm bất kì ai bén mảng đến hồ thiêng, bất kì sự tái sinh nào bên trong Tây Tạng cũng sẽ dẫn đến bi kịch, nên Đạt La Lạt Ma thứ 14 đã nói rằng hoá thân của ông “chắc chắn sẽ không dưới sự kiểm soát của Trung Quốc; sẽ ở bên ngoài, trong thế giới tự do.”

Đọc xong mớ thông tin ở trên chắc cũng mệt, nhưng biết một chút về lịch sử văn hoá địa lí sẽ giúp mình có cái nhìn thấu đáo và cư xử phù hợp hơn, tránh như các chú già đi chung đoàn cứ nhìn đàn bò Yak là đòi thịt nấu lẩu :))

Quay về với hai ngày ở Shangri-la, mình chỉ có vỏn vẹn hai ngày trong lịch trình đi tour mình đã đề cập. Shangri-la nằm ở phía Bắc Lệ Giang trên độ cao 3160m, đi xe sẽ mất cỡ 5 tiếng. Đường tỉnh lộ, cao tốc các thứ ở Trung Quốc thì tốt khỏi chê, xe chạy êm như ru. Trên đường đi xe sẽ đi ngang một trong điểm du lịch nổi tiếng là khe Hổ Nhảy. Nhưng trước khi ghé vào khe Hổ Nhảy, xe chở mẹ con mình vô một khu mang tiếng là viewpoint nhưng trông như khu mua sắm dọc theo đường lên, tất cả chỉ để ngắm cái hồ trong hình dưới. Không có gì đặc sắc cho lắm mà lại còn thu tiền vé để lên viewpoint trên cùng :-/

IMG_7293

IMG_7303

IMG_7304

Từ đoạn cái hồ nhạt nhoà đến khe Hổ Nhảy cũng khá nhanh.

Còn nhớ kì trước mình kể mấy bạn nghe về núi Yulong và Haba nằm cạnh nhau bên con sông Jinsha (Kim Sa) không? Thì đây chính là biên giới phân tách giữa Lệ Giang và châu tự trị dân tộc Tạng. Hẻm núi Hổ Nhảy được đánh giá là một trong những hẻm núi sâu nhất và hùng vĩ nhất của thế giới, từ mặt sông đến đỉnh núi cao những 3790m. Sông Kim Sa cũng là một trong những nhánh thượng nguồn góp nước của sông Trường Giang.

IMG_7305

Cái tên Hổ Nhảy hẹp một đoạn ngay chỗ bạn sẽ tham quan, nước sông chảy qua khe này trở nên cuồn cuộn và hung bạo bất ngờ. Con sông ở đây hẹp đến độ ngày xưa có con hổ nhảy qua được, nên người ta gọi là khe Hổ Nhảy.

IMG_7313

Xe sẽ dừng ở đoạn trên của khe núi, xong bạn sẽ phải leo cầu thang gỗ siêu tiện nghi cỡ 30 phút để lên xuống. Nhắm leo không nổi thì có dịch vụ khiêng kiệu soang trọng như các bậc quý tộc ngày xưa. Mình có me một cô mập ú ngồi lên cái kiệu được hai ông ốm eo khiêng lên xuống, mặt hai ông rõ đau khổ. Gì chứ dịch vụ bựa bựa vầy Trung Quốc gặp nhiều.

IMG_7315

Hẻm núi sâu hun hút, sâu như ví tiền mình trước hôm lãnh lương…

IMG_7325

Dưới đây ngoài chuyện sông nước chảy xiết gập ghềnh, thì toilet dơ thôi rồi, xin hãy đi trước khi leo xuống đây để không lỡ đường sinh bất trắc.

IMG_7337

Trung Quốc mạnh nhất là cơ sở vật chất. Hóc bà tó nào cũng được trang bị tận răng hành lang cao tốc tráng nhựa các thứ. Mà cũng vì cái gì cũng tận răng thế nên mọi thứ đạt được dễ dàng quá, mình hay đơ đơ cho những điểm đến thế này.

IMG_7341 IMG_7343

Dịp mình đi là đầu đông, chỉ còn những mảng cỏ nâu nối tiếp nhau trên những cánh đồng trống trơn. Nghe bảo đi vào cuối xuân đầu hè Shangri-la sẽ rực rỡ nhiều loại hoa cỏ khác nhau.

IMG_7361

Điểm đến thứ hai khi đến Shangri-la là Songzalin (Tùng Tán Lâm Tự). Đây là tu viện Tây Tạng lớn nhất Vân Năm, được xây dựng năm 1679 trong hai năm bởi vị Đạt La Lạt Ma thứ 5 mình có kể ở trên, còn được gọi là Tiểu cung điện Potala. Qua thế kỉ 18, cung điện được mở rộng, có đến 1200 tu sĩ tu học ở đây. Vào thời kì thịnh vượng nhất, có đến 3000 người theo tu học. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, có lúc bị tàn phá nặng nề trong cách mạng văn hoá Trung Quốc, ngày nay Songzanlin đã được trùng tu gần như nguyên vẹn để thành điểm du lịch bậc nhất Shangri-la đồng thời cũng là nơi tu tập của khoảng 700 tu sĩ.

IMG_7380

Đường dẫn từ cổng lên thiền viện chính là một cầu thang cao 146 bậc, đi hụt hơi chứ không giỡn, bạn đang ở 3300m lận ó nhe.

Nhìn qua bên kia hồ thấy một khu treo rất nhiều cờ Lung Ta rất hoành tráng ( cờ Phong Mã dùng để cầu nguyện theo văn hoá Tây Tạng, mình đã có dịp kể bên bài Ladakh). Khi hỏi bạn guide đó là gì thì bạn trả lời là khu thiên táng ( tập tục mai táng bằng cách để xác cho kền kền rỉa xác, người Tây Tạng cho rằng sau khi chết thì thể xác phải trở về với tự nhiên, việc cho những con kền kền rỉa xác là một cách làm thiện cuối cùng, nhưng nghe đồn tục lệ này đang giảm bớt vì số lượng kền kền đang thui chột).

IMG_7385

Nhìn từ xa, Songzanlin trông rất nguy nga và kì vĩ với những chi tiết dát vàng, dát đồng cùng những bờ tường sơn vàng đất. Cung điện nằm trên đỉnh đồi cao là tâm điểm của khu phức hệ, bao gồm hai khu Zhacang và Jikang, bao quanh bởi những tu viện nhỏ hơn cho những tu sĩ cư trú và tu tập.

IMG_7392

Bản thân kiến trúc và những chi tiết trang trí của tu viện chứa đựng rất nhiều câu chuyện, những câu chuyện này nếu hên có guide tốt thì sẽ kể bạn nghe, không thì lên mạng tìm đọc vậy. Như trong hình trên, có hai con nai quỳ chầu hai bên một bánh xe pháp luân trên một bờ tường che tầm mắt khỏi khu đô thị phía dưới, là một điển tích về Đức Phật sau khi giác ngộ, đã đến vườn lộc uyển với hai con nai quỳ hai bên, tay bắt ấn chuyển pháp luân, giảng bài Kinh Chuyển Pháp Luân cho năm vị tỳ kheo.

IMG_7394

Bên trong thiền viện chính là một gian điện cực lớn với những cây cột khổng lồ, rất rất nhiều ghế đệm để tu sĩ tụng kinh, với tượng Phật lớn và rất rất nhiều tượng Phật khác dát vàng dát đồng nằm trong tủ kính chen lẫn những bức tranh Thangka kể về điển tích Phật giáo, tất cả đều được thắp sáng bởi những ngọn đèn bằng bơ Yak. Mọi thứ đều sống động nhưng không một bóng tu sĩ, cả một tu viện không thấy tu sĩ nào cả. Có lẽ họ đã về nghỉ trưa, mình ko rõ, nhưng mùi nhang vẫn đấy, chỉ có cảm giác của tu viện đang sống là không có.

Lần mình đi Ladakh, ghé thăm tu viện ở Nubra Valley và được mời vào thiền viện chứng kiến buổi đọc kinh kệ sáng, dù nhỏ và ít hoành tráng hơn ở đây, nhưng không khí tôn giáo đặc quánh lúc đó với năng lượng âm thanh từ lời kinh và khí cụ thật sự làm mình xúc động. Mình có thể nghe được tiếng của trái tim, của sự sống, của huyết mạch đang đập thình thịch, dồn dập từng tiếng.

Nhưng ở Songzanlin, mình đã không tìm thấy cảm giác nào như thế, chỉ cảm thấy tu viện lộng lẫy đấy đã bị quy hoạch thành một điểm du lịch, có bảng chỉ đường, khách du lịch hàng đoàn có thể đi xộc vào trong chánh điện chỉ trỏ, nghe giải thích về từng tượng Phật, thích còn có thể nhá lấy vài bức hình selfie mang về. Không gian linh thiêng đó đã bị con người làm cho héo úa.

IMG_7400

Quạ đen trong phong tục của người Tây Tạng có mối quan hệ mật thiết với các vị Đạt La Lạt Ma, và cho dù là một giống loài bình thường khác, người Tạng có quan niệm không giết những con vật mà mình không nuôi, con người có thể sống chung và hoà quyện vào thiên nhiên. Bên ngoài tu viện có rất nhiều nhiều quạ, như những chứng nhân tôn giáo cuối cùng vẫn còn sải cánh bay tự do.

Phía dưới cổng ra tu viện là một khu mê cung bán đồ lưu niệm, bán đông trùng hạ thảo, thuốc quý và các thể loại khô bò Yak… Mình khuyên thật là đừng mua, mắc mắc dữ lắm.

Tối đó tụi mình được cho nghỉ ở khách sạng trong trung tâm Shangri-la. Đáng lẽ có thể vui vẻ dạo phố cổ (ở đây cũng có phố cổ như Lệ Giang nhé nhưng ít vui hơn) nhưng không, nhiệt độ tuột dưới 0 độ với một thể loại lạnh cắt da cắt thịt điên cuồng mà một đứa nhìu mỡ như mình đánh bò cạp dù đang đứng trong sảnh ks :)))))

Thế là tối đó mình ở lì trong phòng ks với lò sưởi, ló chân ra cửa là thấy buốt đến tận óc. Nói chứ tối ở đây lạnh quá người ta đóng cửa sớm, phố cổ chỉ nhộn nhịp ban sáng thôi.

Sáng hôm sau, sau một đêm ấm áp với lò sưởi và chăn sưởi, tụi mình được lùa lên xe đi công viên Potatso lúc … 6h sáng.

Công viên quốc gia Potatso, hay có tên khác là Pudacuo (Phổ Đà Thố), là khu vực được bảo tồn với hơn sự phong phú thực vật chiếm 20% tổng số toàn Trung Quốc, là ngôi nhà tự nhiên của rất nhiều động vật như báo tuyết, bò Yak, cừu, sóc, cá các thứ.

shangrila-potatso

Công viên có ba khu chính để bạn tham quan.

Quan trọng nhất là hồ thiêng Bita của người Tạng, khi đến đây người dân sẽ đi theo chiều kim đồng hồ một vòng hồ để cầu nguyện. Ở giữa hồ còn có một đảo nhỏ mà bạn có thể đi thuyền ra. Đây là nơi sinh sống của rất nhiều loài sóc, gấu đen, báo, mèo rừng, linh miêu, hươu xạ và rất nhiều loài cá quý trong hồ, chưa kể thêm chim trời. Tuy nhiên nghe đồn lúc mình đi, trail Bita đã bị đóng cửa :-/

Khu thứ hai là Militang Pasture : thật ra là một khu đồng cỏ đẹp và rộng lớn, với bò Yak và cừu rải rác đó đây. Vào mùa xuân trăm hoa đua nở, cả đồng cỏ sẽ thành một cánh đồng hoa rực rỡ. Còn đầu đông thì chỉ còn cỏ nâu thôi. Mình cũng không được đi ở đây luôn, đi tour chán là thế.

Khu cuối cùng là khu hồ Shudu :

Từ đoạn mua vé và chở xe bus nội tuyến chở đến hồ, ta nói sống 30 năm cuộc đời chưa bao giờ lạnh đến thế, vâng dù trên sườn núi Annapurna, dù tuyết rơi ở Phượng Hoàng cổ trấn, dù trên đỉnh đèo cao nhất Khardung-la đều không bù được với buổi sáng đó, mình chạy như muốn xỉu vào trạm xe bus, tay chân run bần bật, dưới chân một lớp sương giá đã phủ trắng mặt cỏ.

IMG_7404

Vào được tới cầu thanh gỗ đi bao quanh hồ thì trời đã hửng sáng làm nhiệt độ tăng lên được chút. Ánh mặt trời sưởi ấm lớp tuyết mỏng làm khắp xung quanh lãng đãng một lớp khói lạnh rất ma mị.

IMG_7408

IMG_7413

Mặt hồ đóng băng đang tan ra, khói lững thững bốc lên trong chóng vánh là lại biến mất. Đằng sau cánh rừng thông lúc xanh lúc trắng chất chồng lên nhau lên tận đỉnh đồi.

IMG_7417

IMG_7431

Dưới bầu trời xanh trong veo, mặt hồ bình yên như một tấm gương phản chiếu bầu trời, vịt bơi đây đó thành đàn, tiếng cạp cạp vang xa xa trong sự tĩnh lặng của không gian.

IMG_7437

IMG_7438 IMG_7447

Nói trắng ra thì, khu vực này chỉ là một khu hiking dọc bờ hồ và ngắm cảnh non nước hữu tình. Bản chất ở đây không có gì thú vị, nhưng nếu bạn yêu thiên nhiên và yêu việc được đi bộ và hít thở mùi thông mùi cỏ cây thì nên đi. Không thì về lại phố cổ cho lành :)).

Ngoài ra, ở đây cao 3700m nhé, các cô chú đi chung đoàn sau một đêm sốc độ cao không ngủ được thì sáng ra đi đoạn này mà thấy rệu rã. Mình thì vẫn bình thường, chắc nhờ mới tu luyện từ Nepal về haha

IMG_7467 IMG_7470

IMG_7477

IMG_7497

Chút cận cảnh cỏ cây nèo.

IMG_7502 IMG_7517

IMG_7526

Con sóc này gan trời thần, không hề sợ khách luôn nhe.

IMG_7530

Đi hết đoạn đường cầu thang gỗ cỡ một tiếng là hết một bên hồ. Sau đó lại đón xe bus ( miễn phí) để đi hai trail còn lại nếu bạn thích. Potatso sẽ rất tuyệt nếu bạn có thể tự do ở chơi nguyên ngày và đắm mình vào không gian yên ả của thiên nhiên. Ngoài ra mình không còn gì để khen thêm, blogger thiệt thà lắm không có hay khen xạo :))

Trước khi dẹp sạp, mình lưu ý vài điểm nên biết khi đi :

  • Ở trong công viên cũng cho phép trekking và có trail trekking : một trail 2.5 km và một trail 500m ( y như giỡn mặt). Nhưng được cái là bạn sẽ tách ra khỏi đám đông khách Trung Quốc ùa lên vào giữa buổi sáng, tụi mình đi sớm nên vẫn vắng.
  • Ở Sangcuoka tourist service center có bán buffet, giữa trưa có thể ghé ăn nếu bạn đi nguyên ngày.
  • Giá vé công viên: CNY 258 đã bao gồm luôn tiền xe bus nội tuyến. Đợt mình đi là 190 do có đóng bớt trail Bita.
  • Giờ mở cửa : November 1st – March 31st: 08:00 – 16:00; April 1st-October 31st: 07:30 – 16:00
  • Đi từ Shangri-la lên công viên mất 50 phút. Bạn có thể đi bus từ trạm bus trung tâm, xe đi từ 9:30 và về lúc 15:00, vé là CNY 30. Tự do hơn thì đi taxi, tốn CNY80 một chiều và trả giá CNY150 cho hai chiều. Thuê xe riêng thì lại tốn đến CNY300 nhé.

Vậy thôi hết rồi, hẹn gặp lại bạn ở Cebu hay hang Tiên tuỳ hứng của mình haha.

14 Replies to “Van Nam P.6: Shangri-la”

  1. Nhìn những bức ảnh thật đẹp, thiên nhiên luôn đẹp như vậy. Nhưng sau cảnh sắc thiên nhiên là câu chuyện quá buồn về lịch sử – văn hóa – con người nên cũng chẳng còn cảm giác vui thích.
    Btw, so sánh hẻm núi với đáy túi tiền trước ngày có lương thặc mặn mà đó a :v :v :v

    Liked by 1 person

  2. Mình cực kỳ, cực kỳ ấn tượng và dành tình cảm nhất vùng đất này từ con người đến cảnh vật. Đọc bài bạn mình lại nhớ 3 ngày 2 đêm mà không muốn về. :). Tụi mình đi hồi tháng 03 vừa rồi không đi được công viên Potatso vì họ đang tạm đóng tu sửa, thật tiếc. Nhưng bù lại đi được vài nơi khác Thạch ca tuyết sơn đẹp tuyệt vời, Nội mông thảo nguyên đang cuối đông sang xuân nên cỏ cây chưa đẹp rộ nhưng cũng biết được thảo nguyên Tibet là thế nào.

    Like

  3. Mình mới trở về từ Shangri La trong chuyến đi tự túc với nhóm bạn. Cảm xúc buồn mang mác vẫn còn vương lại đây sau khi băng qua những cung đường với bạt ngàn đồng cỏ, những chú bò Yark hiền lành và người dân khắc khổ, thân thiện, bên tai mình vẫn còn văng vẳng những điệu nhạc mang âm hưởng thiền như vang xa vào thinh không. Cảm ơn vì những hình ảnh đẹp, những cảm nhận của bạn về vùng đất này. Chúc bạn sẽ chinh phục những vùng đất mới với những trải nghiệm tuyệt vời truyền cảm hứng cho mọi người yêu du lịch!

    Liked by 1 person

  4. mình cũng đang plan tháng 2 này sẽ đi lê giang va shangri-la. chắc tháng 2 thì sẽ lạnh lắm bạn nhỉ. và cho mình hỏi thăm là chi phí ăn uống và đi lại có đắc ko hả bạn.

    Like

    1. Tháng hai thì chắc chắn sẽ lạnh rồi, còn đông mà. Tránh tết Âm lịch nhé vì vào khoảng thời gian đó ở TQ khủng khiếp lắm. Muốn di chuyển đi đâu cũng rất áp lực vì ko có vé.
      Chi phí ăn uống và đi lại ở bên đó không mắc, ở mức giá chấp nhận được.

      Like

  5. Đọc bài của bạn thích quá, chỉ muốn xách váy mai đi luôn thôi 😀 Mình đang tính đi vào tháng 4 này, thời gian đó chắc là ko quá lạnh và đông người phải ko bạn. Mình có nhóm…. 2 người, tự đi có gian nan quá ko bạn

    Like

    1. Mình nghĩ Lệ Giang ko phải nơi quá khó đi, cho dù với người ko biết tiếng Hoa, vì mọi thứ khá là thuận tiện và đường đi ko phức tạp. Tháng tư thì thời tiết sẽ đẹp và hơi nắng, khô. Nửa đầu tháng tư sẽ đẹp nhất vì còn hoa mùa xuân nở.

      Like

Leave a comment