
Từ lúc bắt đầu kế hoạch cho chuyến đi này, mục đích chính của mình là được ngắm mấy em cá mập voi (whale shark). Và cũng như bao người, mình đọc nhanh gọn vài thông tin và nghĩ rằng hoạt động này tương đối lành mạnh, không tác hại đến cá mập voi và môi trường nhiều. Nhưng thật ra, câu chuyện về chuyện tổ chức ngắm cá mập voi ở làng Tanawan ở Oslob là một đoạn trường sóng gió và đầy tranh cãi.
Trước tiên, chúng ta hãy nói về mặt tích cực trước.
Hồi chưa có mấy bạn cá mập voi này thì thị trấn Oslob là một phố huyện duyên hải nghèo với bãi biển toàn đá. Tuy bãi biển đá là thế nhưng vào mùa plankton (phù du) nở rộ, ở đây có những 12 loài plankton trôi nổi khiến nơi đây trở thành điểm đến ko thể thiếu trong con đường di cư tìm thức ăn của cá mập voi. Ngày xưa, thời gian tối đa cá mập voi ở lại đây trước khi di cư sang nơi khác là 60 ngày. Ngư dân nhận ra rằng, mình có thể tổ chức những tour đi ngắm cá mập voi cho khách bằng cách bơi thuyền ra biển và dùng plankton dụ cá bơi gần. Mấy bạn cá mập voi bản chất rất hiền và háu ăn, nên dĩ nhiên chúng nó sẽ tới. Dần dần ngư dân nhận ra rằng, họ có thể dùng plankton dụ bầy cá vào trong vịnh, làm một cửa lồng cực lớn bằng lưới cá đóng cả cái vịnh lại, và cho khách du lịch xuống ngắm, không cần phải dông thuyền xa xôi.
Thế là từ năm 2010, người ta bắt đầu nuôi cá mập voi theo mô hình đại loại như nuôi bồ câu, sáng nhốt trong vịnh trưa thả và cho ăn đều đặn đảm bảo đàn cá sẽ quay về. Nghe bảo vào những tháng cuối và đầu năm vào mùa plankton còn thả cho cá đi tự kiếm ăn. 21 con cá trong vịnh thật sự vực dậy cả một thị trấn nhỏ trở thành điểm du lịch must – go ở Cebu, đón cả mấy ngàn du khách một ngày, ăn theo là bao nhiêu dịch vụ ăn uống và khách sạn, di chuyển …
Bởi nhìn cái cách người dân đối xử với cá thấy còn hơn két sắt trong nhà.
Còn mấy bạn cá này thì cứ sáng sáng về vịnh ăn ngập mặt, mặc cho bầy người bỏ cả một đống tiền để ôm cái cột thuyền xuýt xoa ôi chao đã quá , trong đó có mình (!).

Khu vực vịnh ngắm cá như mình nói, là một cái lồng khổng lồ bằng lưới bao hết cả vịnh biển. Buổi sáng họ lùa cá vào, hoặc nó tự vào, xong họ đóng cửa lưới lại và bắt đầu đón khách. Hoạt động xem cá chỉ diễn ra vào buổi sáng, đến gần trưa là vãn và họ mở lưới cho cá bơi đi. Giá cho một lần snorkelling với cá mập voi là 1000 PHP, chỉ ngắm cá trên thuyền ko bơi là 300 PHP, một tấm digital chụp bởi nhân viên bằng máy chụp dưới nước là 550 PHP, lặn scuba ngắm cá thì tự do bơi lặn hơn nhưng giá ko mềm. Hoạt động khá quy củ, bạn buộc phải trả tiền mới vào được cửa vịnh, buộc phải nghe một buổi training quá trời điều luật mới được lên thuyền, buộc phải mặc áo phao và bơi gần thuyền mới được tiếp tục ngắm cá. Ngoài ra, còn một đống luật khác như không được bôi kem chống nắng để không ảnh hưởng đến môi trường và lũ cá, không được đến gần cá, không được sờ cá, không được bơi khỏi phạm vi mạn thuyền, không được cởi áo phao, không được cho cá ăn v…v…

Khi ra được vịnh, sẽ có hai loại thuyền, thuyền to có hai mạn gỗ hai bên và bạn chỉ được bám vào và ngắm cá trong phạm vi đó, thuyền nhỏ màu trắng cho cá ăn và cug đồng thời là bảo vệ, thấy truog hợp nào bơi khỏi mạn thuyền là huýt còi bắt thuyền kia gom về.

Lần đầu tiên ngắm cá mập voi ngoài đời, ôi chao là nó lớn. Mọi thứ diễn ra khá là hỗn loạn khi nước sóng dập dềnh, lâu lâu thuyền cho ăn tạt qua là cá sẽ bám theo và bạn được dịp hú hét ụp mặt xuống để ngắm.


Mới đầu thấy cá to hết, ai cũng còn hơi sợ, nhưng sau một lát sẽ thấy nó hiền queo, và chả thèm quan tâm đến mình, mấy con plankton ngư dân đổ ra mới là tất cả những gì em nó quan tâm.


Dù được ra luật là phải cách xa cá 2-3m, nhưng có những lúc mấy em cá tự bơi về phía mình, căng gần chết vì mình muốn tránh không chạm vào nó. Ấy vậy mà có lúc em nó húc nguyên cái đuôi vô người thì cũng ko tránh nổi. Sau cơn phấn khởi ban đầu của phút giây đầu gặp gỡ, bình tĩnh lại ngắm kĩ người thương thì thật ra trên đuôi trên miệng trên vảy cá của các em có những vết thương đã đóng mài. Khoảnh khắc đó chúng ta nhận ra rằng, mọi chuyện không mật ngọt như câu chuyện của ông bác tài kể lúc trên bờ.
Vậy mặt tiêu cực của hoạt động này là gì? Một câu chuyện dài cần phải kể …
Thứ nhất là vụ không được động chạm cá. Dù đã ra luật, nhưng sẽ luôn có những du khách, vì mê đắm nên cố bơi ra khỏi phạm vi quy định để bơi chung với cá, hòng mang về một tấm hình sống ảo chất vl, rồi trong qúa trình đó sẵn tay ta chạm chút chắc cũng không sao. Còn không đang ngắm yên lành trong mạn thuyền, các bạn cá bơi vào vô tình chạm phải mình cũng khó tránh khỏi. Nhưng nặng nhất, chạm nhiều nhất, là chính mấy bạn ngư dân cho cá ăn. Việc thường xuyên họ làm, là kê cái chân ngay miệng cá để giữ cho cá không đập mạnh vào thuyền họ đang ngồi, thỉnh thoảng họ còn đuổi cá đi khi nó ăn quá nhiều để còn giữ plankton cho những lượt sau. Việc va chạm đó tại sao bị cấm, vì cá mập voi không quen với những vi khuẩn bình thường trên da người, và có thể bị lây nhiễm hoặc phát bệnh nếu người đó có những vi khuẩn gây hại.

Thứ hai, việc cho ăn đều đặn hằng ngày thay đổi thói quen của cá và gây ra những tổn thương. Ngày xưa khi chưa quen với những khu cho ăn thế này, cá mập voi cũng như các loài khác có xu hướng tránh xa thuyền của con người. Nhưng với những em cá mập voi đã kinh qua chuyện dc cho ăn bằng thuyền, dần dần trong dẫn phát sinh một phản xạ, cứ thấy thuyền là tiến tới đòi ăn. Ngoài chuyện lao đầu vào mạn thuyền, mái chèo, cá mập voi còn lao vào những động cơ chân vịt và gây những vết chém khó mà lành sẹo. Đó còn chưa kể khi bơi ra khỏi vùng nước được bảo vệ, ở những đất nước ng ta săn bắt cá voi, có thể dẫn đến mất tính mạng. Bản thân khu vực Oslob, mái chèo và thuyền của những nhân viên cho cá ăn cũng gây ra nhiều tổn thương ở khu vực miệng cá.

Thứ ba, thay đổi tập tính di cư của cá. Cá mập voi là loài di cư rất xa. Có thể bơi cả ngàn cây số theo dòng chảy của thức ăn từ Đài Loan tới Indo. Oslob chỉ là một điểm tạm cư của đàn cá tối đa cỡ 60 ngày. Nhưng từ ngày có hoạt động cho cá ăn, có một em được ghi nhận ở cả hơn một năm ở Oslob không rời. Điều này ảnh hưởng đến chuyện phối giống và giảm sự phong phú sinh học trong gen của đàn cá.

Thứ tư, dinh dưỡng trong nguồn thức ăn ở Oslob bị hạn chế. Vào mùa plankton thì không nói, nguồn thức ăn 12 chủng loại của Oslob là cực phẩm. Nhưng sau mùa đó, với nguồn thức ăn cạn kiệt, người dân buộc phải nhập khẩu các loại plankton khác từ những đảo khác về với nguồn dinh dưỡng và chủng loại ít đa dạng hơn. Có nguồn cung cấp xa đến 400km, trong quá trình đánh bắt đã bị thiếu hụt xong còn được đóng gói và vận chuyển xa thế thì sự tươi ngon dinh dưỡng cũng không còn. Vì vậy mỗi ngày, đàn cá phải bỏ ra rất nhiều sức lực để bơi quanh các thuyền viên để ăn mỗi lần một chút một món ăn như kiểu đồ hộp thiếu dinh dưỡng.

Vẫn có những khu vực mà bạn có thể ngắm cá mập voi tự nhiên. Việc bắt gặp chúng ở đại dương xa thẳm chắc chắn sẽ đem đến sự sung sướng tột độ, nhiều hơn rất nhiều chuyện bạn ôm cái mạn thuyền lần lượt thấy 21 con cá bơi sát mặt trong một cái cũi cực lớn giữa vịnh.
Câu chuyện Oslob là một câu chuyện đầy tranh cãi, có người ủng hộ, có người phản đối. Còn mình thì đã lầm lỡ nên kể câu chuyện ở đây cho các bạn tham khảo. Như ngay từ đầu mình nói, mục đích chuyến đi này của mình là cá mập voi, nhưng sau khi trải nghiệm mình cảm thấy nhạt nhoà và hơi áy náy. Rốt cuộc Kawasan Falls mới là trải nghiệm đáng nhớ nhất của chuyến đi. Nên đi hay không đi, tuỳ các bạn quyết định 🙂
Ngoài hoạt động lặn cá voi, ở Oslob còn hai thứ để bạn vui chơi:
Một là Tumalog Falls, nếu mới đi từ Kawasan Falls qua thì bạn nên bỏ luôn vì sẽ giống mới đi tàu lượn siêu tốc xong nhào qua chơi cầu tuột. Quy mô thác cũng nhỏ. Nếu đi mùa mưa thì có thể đi nếu buồn như mùa khô thì nước chỉ ngang mắt cá.
Hai là Sumilon Island, ở đây có cái resort chiếm giữ hết bãi biển đẹp của đảo cũng như của toàn vùng Oslob. Họ có dịch vụ một ngày chơi đảo có kèm bữa trưa, thuyền đưa đón, bơi hồ bơi và trek quanh đảo với giá 1500 php ngày thường và 2000 php cuối tuần và lễ. Có giá mềm hơn chỉ nửa giá nhưng bạn chỉ được tham quan đúng khu vực bãi sau và thế là hết. Tụi em keo nên đã muốn course đó, đi vòng vòng bơi cỡ 2 tiếng là hết chuyện đi về. Hình dưới là bãi sau.

Thật ra để tiết kiệm thời gian, cả hoạt động lặn ngắm cá và chơi đảo có thể gọn trong buổi sáng, đến 12h là có thể lên xe đi chỗ khác. Chỗ này mình tính hơi dư nên còn ngủ lại một đêm. Thế nên chiều đó coi như nghỉ dưỡng, ngủ nghê ăn uống đi dạo ngắm thị trấn. Đống hình ở dưới bảo chứng cho độ đẹp của thị trấn nha.


Ngay chợ có rất nhiều hàng bán đồ nướng ngon lành và rẻ nhe. Nhậu ở đây là phê xiềng.



Còn đây là bãi biển của thị trấn, ăn ảnh dễ sợ. Tấm hình trên mình chụp xong thấy mê đắm, xem vậy chứ rất nhiều cầu gai trong những vũng cạn. Không phải nơi thích hợp cho bà mẹ và trẻ em.


Tạm biệt, đọc kì cuối về quần đảo Camotes ở đây.
One Reply to “Cebu P.3: Oslob”