Chuyện là mình đã mê Thổ Nhĩ Kỳ đã lâu, nhăm nhe ngắm nghía bao lần nhưng khổ nỗi xin visa tự túc thật phức tạp. Thế là một sáng tháng tư đang sẵn visa Châu Âu mình khấp khởi lấy được liền e-visa Turkey trong một nốt nhạc và bay từ Ba Lan qua Istanbul. Lúc bạn immigration ở sân bay Istanbul đóng cái cạch vô hộ chiếu mình dễ ẹc với không một câu hỏi, tự dưng mình thấy một sự hạnh phúc choáng váng trước một chuyến du lịch hông có plan và hoàn toàn tự do tuỳ ý thích đang chờ có một mình mình phía trước.

Còn nói về Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước nằm bắc ngang hai bờ Âu Á trên một vùng đất có lịch sử hàng nghìn năm với rất rất nhiều biến động, làm cho đất nước Tây Á này (thề nhiều bạn vẫn nghĩ nó châu Âu) có bề dày lịch sử, văn hoá đậm đà và phức tạp, thay đổi theo từng vùng đất. Mỗi một nơi lại có một câu chuyện kiến tạo địa chất và lịch sử khác nhau, đôi khi chúng hoà quyện với nhau thành một câu chuyện đáng kinh ngạc như Cappadocia và Pamukkale. Bài sẽ dài nên mình bắn tỉa từng vùng cho trọn vẹn câu chuyện trọn nghĩa trăm năm nhoé.


– LỊCH TRÌNH –

Như mình đã kể, mình đi với một kế hoạch mở, một phần vì mình không có thời gian để plan chuyến đi này kĩ càng vì nó nằm ngay sau một cú công tác nhức đầu vật vã, một phần vì lịch bay khinh khí cầu ở Cappadocia rất hên xui nên để kế hoạch mở sẽ linh hoạt hơn nếu bạn cần thêm ngày chỉ để chờ khinh khí cầu bay.

Đầu tháng tư là mùa xuân ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi hàng hàng lớp lớp người Việt đổ qua Hàn qua Nhật ngắm hoa anh đào, mình đâm đầu vào một vùng đất cứ nghĩ toàn đá… ai dè trời độ cho mình thấy một mùa xuân rực rỡ đủ loại hoa hơn bao giờ hết. Tuy nhiên mùa xuân đem đến cho bạn một hạn chế là bạn hông đi được biển ở Turkey, mà vốn đẹp khét tiếng nước trong veo không thua gì Hi Lạp.


Rốt cuộc plan của mình sau khi đi xong nó thành ra như sau:

  • Ngày một: đáp máy bay tới Istanbul và đi thăm thú Taksim và vịnh Golden Horn. Ngủ đêm ở Taksim.
  • Ngày hai: đi hết khu Cağaloğlu bao gồm các bazaar, mosque, công viên và hamam trong khu vực. Chiều tối tiếp tục đi tháp Galata ở Beyoğlu và về lại Taksim ăn chơi. Ngủ đêm ở Taksim.
  • Ngày ba: bay đến Kayseri bằng Pegasus Airlines, đi xe van đến Goreme và ngủ đêm ở Goreme.
  • Ngày bốn: Sáng ra đi bay khinh khí cầu nhưng thất bại, quay về đi hiking trail Pigeon valley để đến Uchisar castle. Chiều đi quanh thị trấn, ngắm hoàng hôn và Goreme lên đèn trên đồi Lover’s hill.
  • Ngày năm: Sáng tiếp tục đi bay khinh khí cầu và thần phật ơi nó bay được… Chiều đi hiking trail Red và Rose Valley đến Çavuşin. Ngắm hoàng hôn trên sunset point ở Rose Valley.
  • Ngày sáu: canh khinh khí cầu bay trên rooftop của khách sạn, và tiếp tục thất bại lần hai. Đi Goreme Open Air Museum. Ngày này mình lăn ra bệnh nên ko đi nhiều. Tối lên bus đi Pamukkale.
  • Ngày bảy: bốn giờ sáng xe thả mình ở Denizli, tiếp tục đi pick up van về Pamukkale. Nguyên ngày đi chơi trong khu Pamukkale: leo lên sườn travertine, đi dạo loanh quanh trong di tích Hierapolis, bơi trong Antique pool.
  • Ngày tám: Ngày này cũng hơi dư, sáng ra đi khinh khí cầu/ nhảy dù, trưa chiều lại đi Pamukkale một lần nữa. Chiều bay về Istanbul. Ngủ đêm ở Taksim.
  • Ngày chín: sáng đi công viên mèo, chiều đi lễ hội hoa tulip. Ngủ đêm ở Taksim.
  • Ngày mười: đi mua quà mang về ở Spice Bazaar. Shopping day. Tối ra sân bay bay về Việt Nam.
turkey map2

Đây là một cái plan cực kì nhàn nhã và nhây. Tuy nhiên với Istanbul và Cappadocia mình hoàn toàn có thể ở lâu hơn vì mình chưa đi hết những điểm muốn đi. Lúc ở Cappadocia và quyết định điểm đến tiếp theo, mình có phân vân giữa Antalya và Mardin nhưng rốt cuộc không đi vì không thuận tiện. Plan mở không phải lúc nào cũng hay. Nên để cho các bạn rút kinh nghiệm, mình thấy nên đi như thế này là ổn:

  • Ngày một: bay đến Istanbul. Ở chơi Taksim.
  • Ngày hai: bay đến Mardin vì Mardin xa nhất. Không có chuyến bay giữa các vùng Mardin – Cappadocia – Antalya – Pamukkale mà kiểu gì cũng phải transit qua Istanbul (tốn thời gian tốn tiền), nên mình thấy việc bay đến Mardin trước và từ đó đi bus sẽ rẻ tiền và hợp lí hơn. (Nếu đến Cappadocia trước sau đó đi Mardin thì bất hợp lí vì nếu bay về thì phải bay về Istanbul xong mới đi tiếp, mà nếu đi bus từ Mardin đi Antalya hay Pamukkale sẽ rất rất lâu). Mardin là một thành phố cổ đẹp ngút ngàn ở biên giới gần Syria, tuy nhiên gần đây trở nên khá an toàn nên du khách bắt đầu đổ về đây như một hidden gem của Turkey. Rất rất nhiều người Turkish khuyên mình đi Mardin nhưng tiếc là mình chưa đi dc.
  • Ngày ba: ở chơi Mardin, bắt xe chiều đi Cappadocia.
  • Ngày bốn, năm: ở chơi Goreme. Tối ngày năm bắt chuyến bus đi Antalya hoặc Fethiye. Antalya là thành phố biển đẹp mút mắt, trong khi Fethiye là một huyện biển đẹp và vắng hơn cả Antalya. Bạn có thể lựa một trong hai hoặc đi cả hai nếu có thời gian. Hai điểm này nên đi trong mùa hè nhé, các mùa khác thì lạnh lắm ko tắm biển được đâu.
  • Ngày sáu: Ở chơi Antalya/ Fethiye.
  • Ngày bảy: Hoặc là đi tour trong ngày tới Pamukkale rồi về ngủ ở Antalya/ hôm sau bay về Istanbul. Hoặc đi bus vài tiếng tới Pamukkale và ngủ đêm ở đó.
  • Ngày tám, chín: Bay về Istanbul chuyến sáng sớm. Tham quan hết các điểm trong thành phố.
  • Ngày mười: Shopping day. Bay về Việt Nam.
turkey map1
city-of-tolerance
Mardin – nguồn Google
antalya_turkey
Antalya thành phố biển từng thuộc về nữ hoàng Cleopatra. Nguồn: google.
oludeniz-fethiye-1
Fethiye – huyện biển đẹp lung linh trên postcard của Turkey. Nguồn: Google.

Plan ở phía trên là plan lý tưởng nhất nếu đi một cách bài bản mình sẽ đi, tuy nhiên vẫn vướng lịch bay khinh khí cầu ở Goreme, nếu ngày bốn ngày năm vẫn ko bay được thì có thể vẫn phải hi sinh một điểm sau đó để bù ngày cho Cappadocia. Chính vì sự hên xui của lịch bay khinh khí cầu mà việc đi tour từ Việt Nam của các đơn vị sẽ cũng khó khả thi vụ khinh khí cầu luôn vì họ chỉ có một sáng ở đó. Nhưng chắc chắn đi tour họ sẽ đi nhiều gấp đôi mình đi =)) tại mình nhây quá.

Còn một vài điểm đến khác như Izmir, thành phố biển to dữ, research tới lui thì mình thấy ko thú vị lắm. Thành Troy, nếu xem tàn tích Hierapolis rồi thì mình nghĩ cũng ko cần xem thêm. Còn nếu đam mê tàn tích thành phố cổ Hi Lạp thì có thể đi thêm Ephesus. Ngoài ra còn có Safranbolu một ngôi làng thiệt đẹp gần Istanbul. Với khu vực phía Đông Bắc của Turkey gồm những dãy núi cao với những ngôi đền chênh vênh vách đá cùng những trail trekking đẹp, tuy nhiên quá xa mình không đủ thời gian làm chuyện đó.

Như thường lệ, những thông tin về visa, vé máy bay, tips mình sẽ chia sẻ ở bài cuối. Còn về bài viết này mình sẽ chia sẻ tất tần tật về Istanbul.


– LỊCH SỬ ISTANBUL –

Istanbul là một đại đô thị có lịch sử thật sự lâu đời và huy hoàng. Người ta tìm thấy vết tích của sự sống ở bờ Châu Á của thành phố thiên niên kỉ thứ sáu trước Công Nguyên. Nhưng thành phố được chính thức xây dựng và thành lập với tên gọi là Byzantium vào năm 660 trước CN như một thuộc địa thành bang thời kỳ Hi Lạp cổ đại. Sau đó thành phố bị xâm lược bởi người Ba Tư hết hai thế kỷ và được lấy lại bởi vua Alexander Đại Đế thế kỉ thứ 4 trước CN, biến Byzantium thành một thành phố trực thuộc đế chế Macedonia (liên minh các thành bang Hi Lạp).

Sau đó, 193 sau CN, thành phố lại bị chinh phục bởi đế quốc La Mã. Nhưng cột mốc vàng son nhất là đến thế kỉ thứ 4 sau CN, hoàng đế Constantine đệ Nhất đã ra quyết định biến thành phố trở thành thủ đô của đế quốc La Mã và đổi tên là Constantinople, chính thức lấy đạo Cơ Đốc thành quốc giáo. Đế quốc Đông La Mã sau này được gọi là đế quốc Byzantine. Trong thời kì này, Constantinople với vị trí nằm trên con đường tơ lụa và nằm ngay trên eo biển nối biển Đen và biển Địa Trung Hải đã trở thành một trong những đại đô thị lớn nhất, giàu có nhất châu Âu và khu vực với dân số khoảng nửa triệu người.

beWFfc7
Constantinople thời xưa với tường thành bao quanh cùng hệ thống dẫn nước kiểu La Mã.

Thời kì sau đó là một thời kì nhiễu nhương khi Constantinople bị tấn công bởi rất nhiều thế lực như người Ả Rập, người Barbarians, đế quốc La Tinh. Thành phố bị tàn phá và lại xây dựng lại nhưng không lấy lại được sự thịnh vượng trước kia cho đến khi Đế Quốc Ottoman chiếm đóng thành phố và biến nó thành thủ đô Islambol năm 1453, biến nó thành một pháo đài Hồi Giáo.

Đến khi đế quốc Ottoman thua trận trong chiến tranh thế giới thứ nhất, cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập năm 1923 và dời thủ đô về Ankara, nhưng Istanbul vẫn giữ được vị thế trung tâm văn hoá, kinh tế, giao thông của không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ mà của cả khu vực. 14 triệu người hiện đang sống ở đây biến Istanbul trở thành một trong những thành phố đông dân nhất thế giới.

Ai ngán đọc lịch sử thì có thể tóm gọn hiểu là Istanbul có từ trước Công Nguyên và đã qua tay bốn đế quốc khác nhau cùng xây dựng và phá huỷ nên tất cả những tinh hoa ngày nay nhất là về mặt kiến trúc và văn hoá là sự tổng hoà của nhiều nền văn minh khác nhau.


– BẢN ĐỒ –

Istanbul ngày nay mặc dù rất rộng lớn, nhưng với du khách thì chúng ta chỉ nên quan tâm ba khu vực như phía dưới cho dễ du ngoạn: hai khu vực thành phố mới và cũ nằm trên bờ châu Âu của thành phố và khu vực bờ châu Á. Cái map phía dưới các bạn nhấn vô để xem to sẽ thấy nó đánh dấu xuống những điểm tourist attractions cũng tương đối có ích.

Istanbul top tourist attractions printable map

Khu vực thành phố cũ Sultanahmet bao gồm quận Cağaloğlu và quận Eminönü: là khu vực nằm phía dưới của bờ Âu, bị chia cắt bởi khu vực thành phố mới bởi vịnh Golden Horn. Tất cả những câu chuyện lịch sử phía trên của thành phố chủ yếu diễn ra ở khu vực này. Thời kì mà Constantinople còn thịnh vượng, đế quốc Byzantine còn xây dựng một tường thành bọc hết biên giới phía Tây của thành phố biến nó thành một pháo đài khó xâm phạm. Ngày nay những tường thành và rất rất nhiều di tích từ thời kì trước vẫn còn tồn tại ở Istanbul. Đây cũng là khu vực mà bạn sẽ tìm thấy nhiều công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của TNK như Blue Mosque, Hagia Sophia, Grand Bazaar…

Khu vực Galata bao gồm quận Karaköy, Beyoğlu và Taşkışla: là trung tâm tourist ăn chơi của thành phố. Đặc biệt là khu vực Taksim với hàng tá nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, bar club, khách sạn, shop đều tập trung ở đây. Các bạn nên book khách sạn ở khu vực này là đông vui và thuận tiện nhất (càng gần quảng trường Taksim càng tốt).

Khu vực bờ châu Á của thành phố bao gồm quận Üsküdar: được chia cắt bởi bờ Âu bởi eo biển Bosphorus. Bờ Âu là place to work, chủ yếu tập trung người giàu và các công trình lớn. Còn bờ Á là place to live. Đây là khu vực người dân bình dân sống, qua đây bạn sẽ thấy hơi buồn đấy nhưng nhịp sống bên đây làm cho mình có cảm giác gần gũi và dễ chịu hơn, giá cả cũng rẻ hơn rất rất nhiều!!


– DI CHUYỂN –

Đi Đài Loan rồi chắc bạn rành cái thẻ Easy Card. Ở Istanbul cũng có thẻ Istanbul Kart, nạp tiền vào thẻ là đi được hết metro, bus, ferry, cáp và tram rất thuận tiện và giá cả cực rẻ. Đáp xuống sân bay hãy tìm ngay một cái máy tự động y như kiểu bên Taiwan, bình tĩnh chọn tiếng anh sẽ thấy có ba dòng: top up, mua thẻ và mua vé đơn. Mua cái thẻ sẽ tốn 6 libra (nhân 4 thành 24k vnd). Một lần di chuyển tốn 2.3 libra (trong khi mua vé đơn tốn 5 libra). Ngoài ra, cách hệ thống bên đây vận hành là bạn chỉ cần tap thẻ lúc bắt đầu sử dụng phương tiện và ko cần tap để đi ra nên tất cả chuyến dù ngắn hay dài đều bằng giá. Một thẻ có thể xài dc cho những năm người nên mua chung là được rồi nhá ;).

Ngày đáp xuống sân bay Istanbul, mình đang lớ ngớ không biết cách xài máy vì ko có research trước thì có một ông tốt bụng đã cho mình cái thẻ cũ các cậu ạ, và thế là mình chỉ nạp tiền và đi vèo vô trung tâm như một dân local thứ thiệt, cảm giác đó thật sự ngầu!

istanbul card

Về phần review thành phố, vì mình cứ lang thang tuỳ hứng một mình và đi lạc vô định hướng kha khá lần nên không kể thành một hành trình được. Vì vậy, mình sẽ review theo bullet point cho dễ đọc nhé. 😉


1. Khu phố mới Taksim – Beyoğlu

Istanbul8

Nếu Sài Gòn có Bùi Viện thì Istanbul có Taksim, nhưng to hơn rất nhiều. Từ quảng trường Taksim có rất nhiều con đường tẻ đi các hướng nhưng con đường trong hình trên gần như là đại lộ chính cho chuyện ăn chơi mua sắm. Ngày mình đến trời lạnh ngắt, từ trạm metro Taksim mình ôm hai cái ba lô đi lơ thơ kiếm khách sạn mà cảm giác như nhà quê lạc vào phố thị. Xa hoa quá dưới quê mình làm gì có mấy này…

Các cậu gần như có thể mua tất tần tật mọi thứ ở khu Taksim vì có quá nhiều cửa tiệm, hàng quán xa hoa lấp lánh, bên cạnh đó trong những ngõ nhỏ lên xuống lại ẩn giấu những tiệm nhỏ chất lừ.

Istanbul12

Tram là một phương tiện di chuyển hết sức retro, nó mang tính biểu tượng và du lịch là chính vì thật sự một chiếc tram như này cũng không chứa được bao nhiêu người. Nhưng nhất định phải thử một lần quẹt istanbul kart lên tram ngắm chiếc tàu chạy hết khu Taksim nhé.

Istanbul11

Này là quảng trường Taksim, bạn nên book khách sạn càng gần nó càng tốt vì tại đây tập trung các phương tiện công cộng đi khắp thành phố, hết sức tiện.

Istanbul9

Turkish delight là món bánh kẹo tráng miệng cực kì nổi tiếng của TNK nha. Đi ngang mấy cửa hiệu bán mấy thứ quà này mà các cậu chắc chỉ có đê mê vì quá đẹp, quá nhiều quà bánh trưng bày hoành tráng mà cách người ta cắt ra xếp vào những hộp quà trông cũng art phết. Vị thì, mình mua về một số người khen ngon, một số người bảo ăn như kẹo cu đơ, một số người chê ngọt quá ăn hông nổi. Mà thật sự người TNK ăn hơi ngọt, mà giá mấy cái hộp này cũng hông rẻ nên mua hộp be bé về nhà ăn được rồi nhé.

Istanbul10

Ẩm thực TNK nói chung và Istanbul nói riêng hết sức phong phú và đa dạng. Istanbul làm mình nghĩ đến Sài Gòn, một nơi ko hẳn có đặc sản riêng nhưng đặc sản của nó là có hết món của cả nước. Ở Istanbul muốn nói chuyện về ẩm thực chắc dành cả tháng đi ăn từng nhà hàng Turk, nhà hàng Armenia, nhà hàng Hồi Giáo Sunni, nhà hàng Anatolia chắc cũng ko kể xong. Nhưng đại diện nhất, phổ biến nhất là món Kebab (thịt nướng). Việt Nam mình có du nhập doner kebab về bán, nhưng ko ngon bằng phân nửa kebab bán tại chính gốc. Hôm nào nghèo nghèo cứ ra một loạt cửa tiệm ngay quảng trường là ăn no nên mà rẻ rề, quất thêm ly nước cam/ lựu ép chất lượng nữa là bá cháy.

Istanbul118

Một kiểu ăn nữa cũng làm mình mê mẩn suốt là kiểu quán này. Một loạt đồ ăn trưng bày nóng sốt làm mình mỗi lần qua lại lại đứng ngoài nhìn vô y như cô bé bán diêm dòm trộm ng ta ăn gà tây :)) Vào tiệm các cậu cứ chỉ những dĩa đồ ăn cậu muốn, bỏ vào khay xong đi dọc dọc lấy thêm đĩa tuỳ thích rồi cuối hành lang tính tiền. Đói con mắt như mình lấy một ề rốt cuộc hết 200k tiền Việt mà ăn hông hết…

Thổ Nhĩ Kỳ nằm ngay cầu nối của rất nhiều con đường vận chuyển khác nhau nên ẩm thực Thổ là sự tổng hoà của kha khá các loại gia vị từ phương Tây, từ Ai Cập, từ Trung Đông… Vị đồ ăn nhìn chung là đậm đà và hợp khẩu vị của người Việt. Mười ngày đi là mười ngày mình ăn miệt mài quyết ko bỏ một bữa nào!

Istanbul7

Buổi chiều ngày đầu mình lang thang cả khu Taksim. Đi một mình được cái chả cần phải vừa ý ai hết, cứ đi loanh quanh tuỳ ý thích, bạ đâu ghé đó. Đường phố khu Taksim rất xinh. Những con dốc lên, những con dốc xuống, đôi khi thoai thoải, đôi lúc quanh co. Đôi cửa hàng khép nép nằm thấp bên vệ đường, đôi cửa hàng sáng choang to bệ vệ cao hơn mặt đường cả khúc. Lời khuyên thiệt tình là các cậu cứ đi lạc. Một buổi chiều nắng đẹp như này thì có quẹo ngõ nào cũng đẹp.

Istanbul4
Istanbul3

Muốn tránh khỏi sự ồn ào và náo nhiệt thì chỉ cần rẽ vào những con phố nhỏ. Ngay con đường này rẽ trái vào có một loạt cửa tiệm bán đồ cổ và những thứ đồ nội thất cũ chất lừ. Nhiều cửa tiệm cà phê xinh xắn nằm ẩn mình mà có cảm giác chỉ dân local mới đến ngồi yên tĩnh nhâm nhi ly cà phê.

TNK đa phần người dân theo đạo Hồi, nên bia rượu rất hạn chế. Tuy nhiên trong khu Taksim có một ngõ bán bia tươi rất hoành tráng, không vì ních một bụng đồ ăn không thể nhét thêm không thì mình cũng vào không say cũng về.

Istanbul2
Istanbul6

Mèo ở Istanbul là một câu chuyện dài mình sẽ kể sau. Mèo hoang ở khắp nơi, nhưng lâu lâu cũng có mấy con được nuôi mập ú nằm canh tiệm vầy nè.

Istanbul5
Istanbul66

Galata tower nằm trên đồi gần vịnh Golden Horn. Từ trên đỉnh tháp cổ, các cậu có thể ngắm cả Istanbul panorama từ trên cao. Nhưng đó là chuyện nếu các cậu đủ kiên nhẫn nhích từng bước trong hàng dài rồng rắn xếp dưới mặt đất… Mình nhắm xếp xong đống đó lúc lên chắc cũng tối nên thôi ngồi dưới chơi. Xung quanh Galata tower có rất nhiều quán cafe xinh và tiệm bán đồ lưu niệm giá mềm nhất khu vực.

Ngoài ra ở Taksim bạn có thể tìm thấy con phố bậc thang cầu vồng, nhà tắm hamam truyền thống, toà nhà trung tâm văn hoá, những thánh đường Hồi Giáo, bar club. Tuy nhiên cần cẩn thận khi đi bar club vì ở Istanbul lừa đảo rất rất nhiều. Kéo xuống cuối bài sau để đọc riêng về mục đó nhé. Bạn có thể đổi tiền ở Taksim, tỉ giá tương đối ổn, nhưng cũng nên lựa cửa tiệm to gần quảng trường chứ đừng vào những cửa tiệm nhỏ hay bị lừa đảo (tráo tiền, khác tỉ giá).

2. Khu thành phố cũ Sultanahmet:

Cả câu chuyện lịch sử dài dằng dặc của Istanbul chủ yếu xoay quanh bán đảo này. Ở đây là nơi tập trung hầu hết tất cả công trình lịch sử quan trọng nhất của Istanbul cũng như rất nhiều điểm tham quan.

Sáng đó mình bắt chuyến bus sáng đi từ Taksim tèn tèn qua cầu đến bán đảo và sẽ dành trọn một ngày để lang thang cho hết. Tiết mục đầu tiên là dùng bữa sáng ở quán Bâb-ı Ali Kahvesi.

Istanbul33

Từ ngoài đường lớn đi loằn ngoằn về phía Süleymaniye Mosque sẽ có rất nhiều quán nhưng hãy tin mình mà chọn ngay quán này.

Istanbul26

Đây chính là lí do vì sao các cậu nên dùng bữa sáng ở đây (dù lúc đó lạnh banh!). View nhìn toàn cảnh vịnh Golden Horn và khu thành phố cũ cùng Taksim phía xa xa.

Istanbul27

Nhìn sang bên kia eo biển Bosphorus còn thấy cả bờ châu Á của thành phố. Đây đó là những tháp minaret của những thánh đường Hồi Giáo càng tô thêm vẻ huyền diệu của khung cảnh sáng sớm.

Istanbul29

Istanbul là thành phố có độ ẩm đặc biệt cao và mưa gần như quanh năm. Nên có một sáng trời trong và nắng như này thiệt tình là mình cũng may mắn.

Istanbul31

Lí do chính tại sao phải tới đây dùng bữa sáng còn vì góc nhìn Süleymaniye Mosque ngay sát bên. Süleymaniye Mosque là thánh đường Hồi Giáo lớn nhì Istanbul và có tuổi thọ đã hơn 500 năm. Nhưng hôm đó mình không vào bên trong mà sẽ xếp hàng vào Blue Mosque cũng nằm gần đấy.

Istanbul32

Đây đây bữa sáng fancy dành cho một người, giá tầm 50 libra bao view :)) Ăn sáng trông thật fancy đồ ha, đẹp ha. Cho đến khi thảy một miếng khoai tây chiên cho mòng biển ăn để thể hiện tình yêu động vật ngay sau đó trả giá bằng một bầy mòng biển xâu xé không yên. Đời Quốc mãi thành phim hài chứ không khá nổi.

Istanbul34

Ở Istanbul còn có đặc sản những con phố bậc thang rainbow và con phố dù đủ màu. Con phố Quốc kiếm ra có vẻ đã nhuốm màu thời gian, còn con phố cây dù kiếm mãi ko ra…

Istanbul115

Còn đây là Hagia Sophia, toà nhà kiến trúc quan trọng nhất các cậu nên đến ở Istanbul. Câu chuyện về Hagia Sophia rất dài. Vào thời Istanbul còn là Constantinopolis (thủ đô đông La Mã), đây là một kiệt tác kiến trúc được xây dựng năm 532-537 phục vụ cho mục đích Vương cung thánh đường Chính thống giáo Đông phương, hay nói cho dễ hiểu là nhà thờ chính cho đạo Cơ Đốc. Kết cấu mái vòm tròn cùng kích thước và cấu trúc được coi là một đột phá và thay đổi lịch sử kiến trúc thời bấy giờ, một hình mẫu cho kiến trúc Byzantine. Nó đã trở thành nhà thờ lớn nhất thế giới trong gần 1000 năm.

Sau đó kinh đô Constantinopolis bị đế quốc Ottoman thống trị, ông vua thời đó ra lệnh xây thêm bốn tháp minaret ở bốn hướng của toà kiến trúc. Phá huỷ và san lấp các chi tiết Cơ Đốc giáo bên trong và cho xây thêm mihrab và minbar, biến Hagia Sophia thành thánh đường Hồi Giáo chính của thời đó đến tận sau chiến tranh thế giới thứ nhất, chính phủ cộng hoà Turkey biến nó thành một viện bảo tàng đến ngày nay.

Dù khởi điểm là xây dựng cho kiến trúc Cơ Đốc giáo, nhưng kiến trúc của Hagia Sophia sau khi được đế quốc Ottoman biến thành thánh đường Hồi Giáo đã trở thành hình mẫu xây dựng các mosque khác trong thành phố cũng như cả đất nước. Bên trong Hagia Sophia rất là đẹp, mà hông hiểu sao ngày Quốc đi nó hông cho vào nên thôi tự xem google đỡ vậy…

92547223
Bên trong Hagia Sophia. Image by Artur Bogacki 500px Images
Istanbul61

Kế bên Hagia Sophia là Blue Mosque, hay còn gọi là thánh đường Sultan Ahmed, có tuổi thọ cũng hơn 400 năm. Trong các thánh đường Hồi Giáo của Istanbul, Blue Mosque là nổi tiếng nhất với gạch lát xanh và nội thất.

Để giới thiệu sơ những gì mình biết về kiến trúc thánh đường Hồi Giáo. Nãy giờ mình có đề cập đến các toà tháp minaret quanh thánh đường chính. các toà tháp này chủ yếu được xây dựng vì hai mục đích: một là dấu hiệu nhận biết cho các kiến trúc Hồi Giáo và thứ hai để phát đi một bài kinh năm lần một ngày (a call to prayer – adhan) để tín đồ đến cầu nguyện. Vì loa phát trên những đỉnh tháp cao nên âm thanh vang xa, cứ tới giờ là nghe âm vang cả khu vực.

Istanbul62
Istanbul116

Bên trong thánh điện được trang trí công phu và cầu kì với những mô típ kỉ hà. Mô típ kỉ hà là mô típ trang trí hình học của những hình tròn, hình vuông, đường thẳng … để tránh mô phỏng bất kì hình ảnh nào của thiên nhiên như hoa, lá, con người… Người theo Hồi Giáo khi xưa tin rằng chỉ có thánh Allah là Đấng tạo hoá và được quyền kiến tạo nên vạn vật, nên con người dù chỉ là mô típ trang trí cũng ko dc quyền mô phỏng theo. Cũng vì lí do đó, không có hình ảnh của thánh Allah được tạc tượng. Khi vào bên trong một thánh đường Hồi Giáo, sẽ có một kiến trúc là cửa sổ vòm tạc lõm vào trong một bờ tường gọi là Mihrab, được dùng để đánh dấu hướng của thánh địa Mecca và khối vuông Kaaba linh thiêng cho các tín đồ quay mặt về đó cầu nguyện (người Hồi Giáo cả đời khi cầu nguyện đều hướng về thánh địa Mecca cùng kiến trúc Kaaba, ai cũng muốn một lần được hành hương về Mecca ít nhất một lần trong đời). Bên phải của Mihrab là Minbar, nhìn dễ nhận ra nhất đó là một cầu thang thẳng, cho Imam (prayer leader) đứng trên đó để cầu nguyện và thuyết giáo. Mình ko chụp hình minh hoạ vì chuyện chụp những kiến trúc này có phần hơi nhạy cảm. Trên trần của thánh điện sẽ có những hõm tròn cao để âm thanh cầu nguyện vang vọng bao phủ cả không gian.

448A0569
Mihrab ở giữa và kế đó là Minbar. Image: photoTrekIstanbul

Ngày mình tới bên trong Blue Mosque đang tu sửa, cổng vào miễn phí nhưng bạn phải mặc đồ đứng đắn, đặc biệt nữ phải quấn khăn Hijab trên đầu.

Istanbul53

Sau lưng Hagia Sophia còn có công viên Gülhane Park. Công viên này không có gì đặc biệt nhưng mùa xuân thì có hoa tulip nở nên mình có ghé qua. Lúc vào còn có một đám nữ sinh la lên BTS xong đòi chụp hình chung =)). Chu choa mạ ơi fan BTS mà biết chắc giết cả hai tội báng bổ.

Istanbul52
Istanbul45

Hoa tulip bên trong công viên hông nhiều, cuối bài Quốc có viết về lễ hội hoa tulip nên thôi coi đỡ vài tấm mình cùng bỏ qua. Kế bên công viên có cung điện Tokapi, nơi ở của các đời vua Ottoman, hiện nay đã thành viện bảo tàng. Hầu hết các bảo tàng ở Istanbul đều phải mua vé, có thể mua một gói Museum Pass nữa thì sẽ đi được hết.

Istanbul47
Istanbul48
Istanbul54

Còn khá nhiều hoạt động khác ở Sultanahmet, nhưng mình tách ra viết riêng ở dưới nhé.

3. Đi chợ Bazaar truyền thống

Ở khu Sultanahmet có ba chợ nổi tiếng: Grand Bazaar, Spice Bazaar và Arasta Bazaar. Grand Bazaar là chợ to nhất hoành tráng nhất và đẹp nhất thiên về bán đồ decor, thảm, đèn, trang sức, đồ mỹ nghệ, quần áo. Trong khi Spice Bazaar thiên về bán đồ ăn (mình mê hơn), gia vị, trà, bánh kẹo, cheese, xà bông, cà phê… Còn Arasta thì giống Grand bazaar nhưng quy mô nhỏ hơn và ít người hơn, nên để tiết kiệm thời gian bạn có thể bỏ qua Arasta.

  • Spice Bazaar (Mısır Çarşısı):

Spice bazaar nằm sau lưng New Mosque, tên gốc tiếng Thổ là Egyptian bazaar. Nhìn ở ngoài chợ trông không có gì đẹp nhưng vào trong thì lung linh si mê ảo diệu.

Istanbul63

Ngoài khu chợ chính nằm trong building còn có khu chợ hẻm bao xung quanh mà giá rẻ hơn nhiều so với các store bên trong chợ chính, nhưng chất lượng thì ko đảm bảo bằng.

Istanbul64

Hồi xưa ở đây là trung tâm buôn bán gia vị của Istanbul, nhưng từ khi khách du lịch ngày một đông thì các hàng gia vị bắt đầu nhường chỗ cho những thực phẩm khác nhiều hơn. Bên trong lồng chợ bán mê li nào là gia vị, nào là trà cà phê, Turkish delight, hạt, quả khô, trang sức, xà bông, cheese sữa dê, đồ ăn.

176290

Để nói về Tukish delight, có rất rất nhiều loại cho bạn chọn với nhiều nhân khác nhau như hình phía trên. Hầu hết đều giống nhau ở nhân đường trộn hạt, nhưng sẽ khác nhau ở vị chocolate, vị sữa, vị cam, vị dâu… Giá của các hàng có sự khác biệt rõ rệt nên bạn nên đi một vòng so giá rồi mua bên thấy ổn nhất. Ưu tiên cửa hàng có niêm yết giá, sau đó khi mua cũng cần chút tỉnh táo. Mẹo của mấy bạn bán trong đây là khi vừa vào là họ hoạt ngôn giới thiệu đủ thứ và cho bạn ăn sampling tá lả, bạn sẽ cuốn theo cái guồng đến chuyện lựa bánh cân kg và tính tiền, nên chắc giá rồi hãy vào. Một là khi họ lấy hộp ra để xếp bánh vào, có ít nhất hai size hộp nhưng họ luôn lấy size to nhất. Tiệm đầu mình vào chưa kinh nghiệm lắm nên sau khi xếp đầy hộp to cân ra thì hết cả triệu đồng tiền Việt T_T (150 libra/kg). Tiệm hai làm ăn đàng hoàng hơn giá rẻ hơn mình lấy hộp nhỏ cân ra chỉ khoảng 400k. Tiệm số hai tên là Arifoglu có giá gần như ổn nhất cả chợ, khoảng 88 Libra/kg.

Tránh mua những hộp Turkish delight nhỏ xíu đóng sẵn trong những cửa hàng lưu niệm hoặc cửa hàng nhìn ko chuyên, vì nó ko tươi đem về nhà cũng hỏng hết. Ở Taksim cũng có kha khá cửa hàng rất hoành tráng, hộp nhỏ của họ thì bán ra liên tục nên bảo đảm hơn.

Istanbul65

Xung quanh chợ có những ngõ nhỏ bán cũng những thứ đồ bên trong chợ nhà lồng nhưng giá rẻ hơn. Ngoài ra có nhiều hàng ăn local giá rẻ mà thấy đông khiếp vía. Còn nếu bước ra đường lớn thì tránh ăn những quán cao cao xung quanh chợ mà có bảo là có view ngắm thành phố, toàn lừa đảo đấy. Mình có ngơ ngác vào và bị chém đẹp tiền view (ko có trong menu). Lúc tính tiền mình cũng nổi điên muốn chửi lộn nhưng có một bọn Tây đi trc ăn một bữa chơi lớn (ko như mình gọi có cái bánh với ly trà), nên cả bọn ấy hùng hổ chửi lộn với chủ quán cũng dữ ko kém. Mình muốn chen vô chửi lộn mà chen hoài ko chen nổi nên thôi trả tiền về, tại ăn ít quá nên tiền lừa cũng ko bao nhiêu… =))

  • Grand Bazaar (Kapalıçarşı):

Grand Bazaar trong tiếng Thổ đơn giản là chợ Lớn :)) Được xây dựng từ thời Ottoman đến nay, là một mê cung có 61 con phố và khoảng 4000 cửa hàng bên trong, khách du lịch ghé thăm mỗi ngày cũng khủng không kém.

Istanbul42

Trong chợ mỗi một con phố lại được đặt tên theo mặt hàng nó bán, giống phố cổ Hà Nội, kiểu hàng Ngọc Trai, hàng Kim Hoàn, hàng đèn… Phố đồi tiền trong hình bên trên hông biết tên thật là gì, nhưng mình nghĩ là hàng Tiền :-/ Giá đổi tiền ở đây còn tốt hơn Taksim.

Istanbul39
Istanbul38
Istanbul37
Istanbul36

Grand bazaar thật sự rất rộng, đi một hồi một đứa tự tin về khả năng định vị như mình cũng buông xuôi, thôi muốn lạc tới đâu thì lạc. Nên thích gì thì mua và hãy trả giá sát phạt vào, vì giá trong chợ tương đối cao hơn mấy tiệm bên ngoài và vì đi lạc nên có thể các cậu sẽ ko lại dc tiệm đó lần hai =))

Istanbul35

Chợ to thật và đẹp thật. Nhưng để gọi là thấy muốn mua thì mình không hứng thú lắm vì đa phần là đồ đắt tiền như trang sức, thảm, đèn…

Istanbul41

Hàng đèn Turkish Lamp chắc phải là con phố đẹp mê đắm và tốn điện nhất cả chợ. Mỗi lần đi ngang một tiệm đèn là say đắm với hàng trăm cây đèn màu sắc khác nhau với giá lung linh mây xanh.

Istanbul114

Mình cũng muốn là một du khách văn minh, nhưng bị vẻ đẹp của mấy cây đèn che lấp hết mắt nên chụp hình xong xuôi về nhà mình mới phát hiện mấy tờ giấy cấm chụp hình…

Istanbul40

Mà thật ra cấm chụp hình là cấm bạn vào tiệm múa may chụp hình mà ko mua ấy chứ ko phải cấm chụp phới lới bên ngoài đâu. Dù sao đây cũng là nơi buôn bán, ai cũng vào chụp hình nhộn nhịp mà ko mua thì cạp đất…

Istanbul43

Bên ngoài chợ nhà lồng còn dài những con phố bán đủ thứ, nhưng hơi Trung Quốc nên cũng ko vui như Spice bazaar.

Mình dự tính viết hết bài về Istanbul trong một post nhưng giờ nó đã quá dài, nên mình ngắt nó qua một bài khác, đọc tiếp ở đây nha!

6 Replies to “Turkey P.1: Istanbul”

  1. dễ thương ghê, cái đoạn chen vào chửi lộn mà không được nên dành trả tiền rồi về ấy :v

    Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: