Mình bị cái thói rất sai là mỗi lần tổ chức đi đâu chơi đông đông, mình sẽ keo thiệt keo, tiết kiệm cho cả bọn; nhưng lỡ mà đi đâu một mình là cuộc đời cho mình luôn vai chính phim Crazy (stupid) Rich Asian. Chơi sang, chơi sai và chơi ngu là motto ba chơi mà bạn blogger các cậu đang theo dõi thể hiện mỗi lần đi một mình.

Mấy ngày công tác ở Ba Lan trước khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, trong bóng tối tờ mờ của phòng studio, đằng sau lưng là buổi chiều đổ qua khung cửa sổ cuối đông, quạ bay kêu mang mác, Quốc ngồi lầm lũi một góc tìm bằng được một khách sạn thiệt đẹp ở Cappadocia (mà ko đốt nát túi tiền), mắt ánh lên nhiệt huyết tuổi trẻ với mục đích phải ở thiệt đẹp, thiệt đã, chụp những tấm hình thiệt sang trọng (mà quên rằng đi một mình ai đâu mà chụp cho).

Nên khi đáp xuống Kayseri một chiều hoàng hôn đẹp mơ màng, đã có ngay một chiếc xe cầm ngay bảng tên Quoc Lam hết sức xa hoa đón mình trên hàng ghế đầu về thẳng Goreme. Hành trình xa xỉ xin được bắt đầu kể tiếp…


– DI CHUYỂN –

Từ Istanbul đến Goreme nếu muốn tiết kiệm thì đi xe bus. Ngủ một đêm 12 tiếng sáng tới, giá rẻ bèo. Còn muốn sang và đỡ mệt thì đi máy bay, cũng rẻ hông kém nhưng sẽ cộng kèm tiền di chuyển ra sân bay và tiền từ sân bay về khách sạn.

Nếu từ một địa phương khác để đi Goreme thì nên đi bus sẽ đỡ tốn tiền đỡ tốn công, vì nếu đi máy bay sẽ phải bay ngược về Istanbul để transit (trừ đi từ Izmir thì có bay thẳng).

Nếu mua sát ngày của Pegasus hay Turkish Airlines cũng tầm chừng 50usd. Mua sớm hơn nhiều khi có 35usd thôi.

Pegasus thì sẽ bay từ sân bay Sabiha Gokcen International Airport. Turkish Airlines bay từ The new Istanbul Airport. Cả hai đều xa miệt mài nên cần đi sớm chút.

Bay đến Goreme có hai lựa chọn: Kayseri Erkilet Airport ở Kayseri (Turkish hoặc Pagasus xong đi 1 tiếng xe để về Goreme) hoặc Nevşehir Kapadokya Airport ở Nevşehir (Turkish + 30 phút về Goreme). Từ sân bay về Goreme có thể book xe qua khách sạn, hoặc book trực tiếp ở đây.


– KHÁCH SẠN –

Chuyện đặt khách sạn ở Cappadocia với mình là một chuyện hết sức quan trọng. Không thể nào bay gần nửa vòng trái đất đến một nơi như này mà ở trong một căn phòng diệt mood. Thế nên sau nhiều lần lục banh các thể loại book phòng khác nhau thì mình đã yên vị với Henna Konak Hotel.

Tiêu chí lựa chọn phòng ở Goreme theo chủ quan mình nên như sau:

Một, khách sạn có sân thượng cao hoặc view cao & đẹp. Các cậu khi search Cappadocia sẽ thấy rất nhiều ảnh người ngồi trên sân thượng trải thảm dùng bữa sáng và sau lưng rất nhiều khinh khí cầu. Vì nhu cầu sống ảo này gia tăng nên những khách sạn nào có kiểu sân thượng này sẽ đắt khách và giá cao hơn bình thường. Khách sạn nổi tiếng nhất về phi vụ này là Sultan cave suites có sẵn một bàn ăn sáng tráng lệ và một em chó to ngồi cạnh, sáng sáng cứ thức sớm thay phiên vào chụp rồi đi ra, rất ảo và giá cũng ảo ko kém 400 usd/ đêm.

Hai, khách sạn có hạng phòng hang động hoặc trong cột đá. Thường khách sạn kiểu này có chữ cave trong tên. Giá sẽ đắt hơn cho một đêm trải nghiệm cảm giác rất địa phương. Còn nếu ko kham nổi giá thì ít nhất cũng book một khách sạn xây bằng đá.

Thị trấn Goreme rất nhỏ nên book khách sạn ở đâu trong thị trấn các cậu cũng dễ dàng đi bộ ra trung tâm. Trừ khi các cậu book qua các thị trấn lân cận thì sẽ hơi xa và buồn tí.


– LỊCH SỬ –

Blog du lịch mà toàn chữ không, đọc zô là thấy hông thích rồi. Nhưng mà lịch sử nơi này kể ra cũng thú vị nên mình sẽ cố gắng viết thật ngắn.

Cappadocia được tạo ra từ 60 triệu năm trước từ hoạt động núi lửa của núi Erciyes, núi Hasan và núi Güllü quanh khu vực, sau đó những tầng đá dung nham và tro bụi đó bị gió và mưa làm cho xói mòn, dần dần kiến tạo ra những cột đá đủ hình thù trải dài cả một vùng đất. Những cột đá mà thế giới gọi là fairy chimney – những ống khói cổ tích – với cấu tạo đá núi lửa mềm, đã trở thành một ngôi nhà lý tưởng cho con người từ thời kì đồ đồng qua suốt thời kì đế quốc Hittites. Nhưng kể từ thời kì đế quốc La Mã lên ngôi với sự cấm đoán đạo Cơ Đốc được ban hành, Cappadocia với những thành phố bên trong lòng đất và những ngôi nhà, nhà thờ, tu viện bên trong thung lũng đá lại phát triển rực rỡ thành một trung tâm tôn giáo, tránh được sự đàn áp từ chính quyền.

Tầm quan trọng của Cappadocia trở nên đỉnh điểm vào thời vua Leon III của đế quốc La Mã khi ông ban hành luật bài trừ thánh tượng, hình ảnh cũng như biểu tượng biểu trưng cho tôn giáo. Phong trào bài trừ thánh tượng (Iconoclasm movement) kéo dài gần 100 năm dẫn đến sự bỏ trốn của những người mộ đạo đến Cappadocia để tiếp tục phụng thờ những hình ảnh tín ngưỡng của đạo Cơ Đốc.

Không chỉ dừng lại ở những ngôi nhà bên trong cột đá, để tránh sự chinh phạt từ những đế quốc lân cận, con người đã đào thẳng xuống lòng đất tạo thành những thành phố rộng và sâu với rất nhiều tầng, với đầy đủ nhà cửa, bếp ăn, hành lang chung, nhà thờ, kho lương thực…

Tóm tắt lại là cũng vì sự cấm đoán đạo Cơ Đốc trong một thời gian dài, mà Cappadocia thì như địa đạo Củ Chi quê mình í nên ng xưa đổ về sống và thờ phụng. Nhờ vậy mà những thành phố dưới đất và trong đá phát triển ngày một to hơn nhưng nhìn từ ngoài vào vẫn kín đáo.


Như mình đã chia sẻ từ bài blog trước, mình đã đi chơi rất ất ơ nên để viết ra đây, mình sẽ chọn lọc lại những lúc mình thật sự có hoạt động (và bỏ qua những lúc ngủ mất đất, lang thang ngắm trời ngắm chim, cố tìm cách tự chụp hình mình ảo diệu cho bằng chị bằng em nhưng thất bại, kiểu vậy…)


– TỐI –

Buổi tối ở Cappadocia thì chúng mình mần gì?

Một, người ta có bán tour đi ngắm hoàng hôn và Cappadocia về đêm, mà thôi đừng đi tốn tiền. Các cậu như mình, cứ tự mình đi lang thang là cũng đẹp và vui. Leo lên sân thượng (mà mình đã kì công lựa chọn), trèo lên viewpoint gần thị trấn, hoặc ta bà đây đó giữa những ngôi nhà đá, những con hẻm để ngắm thị trấn về đêm đẹp như một miền cổ tích live-action của Disney. Đêm đầu tiên khi xe chở mình từ sân bay tràn về Goreme, ngồi ở ghế đầu và lắc lư qua những con hẻm cua gắt nhưng hai bên đường đẹp tuyệt vời, tim mình đập thình thịch, ủa thiệt là rốt cuộc đã đến được đây, ko phải mơ mọi người ơi!

Cappadocia20
Cappadocia17

Ở đây người dân khéo dùng đèn vàng, đổ lên những bờ tường và cột đá, tôn vinh hình dáng của thiên nhiên đan xen vào kiến trúc nhân tạo. Đẹp nhất khi ngắm từ trên cao, Goreme trông như một dòng chảy nham thạch lấp lánh (nói hồi cũng quẹo zề núi lửa).

Cappadocia24
Cappadocia19
Cappadocia18

Hai, các cậu có thể đi xem Turkish night. Cái này thì phải book qua khách sạn, agency hoặc klook. Một course bao gồm xe đón đưa, bữa tối trong nhà hàng hang động và xem biểu diễn nhảy múa truyền thống (múa lửa, múa bụng, múa dao, múa vũ điệu váy trắng, múa đám cưới…) mất khoảng 170 libra/ khoảng 700k tiền Việt.

Ba, cái này xàm nè nhưng quan trọng không kém. Lỡ đâu đi trúng mùa cao điểm, hoặc mùa nào cũng vậy, mà lượt bay bị hoãn do thời tiết quá nhiều thì nên ngồi ăn vạ với khách sạn/ agency để kiếm cho bằng được một vé đi bay khinh khí cầu sáng mai.

Sẵn mình khoe Henna Konak Hotel mà mình đã ở, giá chỉ một nửa so với Sultan Suites nhưng cũng tuyệt vời không kém. Phòng ốc sạch đẹp, sân thượng ảo lòi, phòng ăn chất lừ và nhân viên siêu siêu có tâm.

Cappadocia23
Cappadocia21

Mùa đông không mở máy sưởi thì sẽ chết cóng, còn mùa hè ở đây nghe đồn ko mở máy lạnh thì một đêm tới sáng là well-done luôn ấy.

Cappadocia22

– BÌNH MINH –

Tất cả bình minh ở Cappadocia đều xoay quanh câu chuyện về khinh khí cầu.

Một, đi bay khinh khí cầu. Cho dù là đi vào mùa nào thì bay khinh khí cầu là một câu chuyện rất hên xui. Ai tới đây cũng tranh một suất bay để ngắm trọn vẹn đất trời nhưng không phải tất cả mọi người đều được đất trời cho bay. Hồi trước khi đi mình có đọc blog du lịch chia sẻ của vài bạn, đại ý là cứ tới và lao ra đường trả giá thôi. Nhưng khoảng thời gian mình tới thì mọi chuyện hông đơn giản vậy nên mình chia sẻ vài note nhỏ:

  • Suất bay mỗi ngày tuy nhiều nhưng thường bị book trước bởi các tour du lịch (Tung Của xâm lược địa cầu zồi). Đặc biệt sau những ngày bị hoãn bay thì lượng book của những ngày sau lại càng cao điểm. Vì vậy nếu bạn tự đi như mình thì tốt nhất là book trước (tự book qua agency hoặc book qua khách sạn).
  • Agency khí cầu ở Cappadocia nhiều khỏi kể. Nhưng bạn cần tìm hiểu kĩ là pilot của nhà đó có kinh nghiệm không (chuyện này chỉ dựa vào tripavisor hoặc bản địa), quan trọng hơn là phải tìm hiểu kĩ là nhà đó sử dụng loại khí cầu to hay nhỏ? Như nhà Butterfly Balloon mình chọn bay thì khí cầu của họ chỉ chở 4 người/ basket (một khí cầu có bốn basket cho khách là 16 người và một basket nhỏ ở giữa cho phi công và phụ tá). Còn một vài nhà, họ chở 6-8 người một basket, là một khí cầu hơn 30 người, ngoài chuyện nghe hơi nguy hiểm thì còn là chuyện bạn sẽ phải thay phiên chen ra để ngắm. Vì vậy, khi book hãy chắc rằng bạn sẽ bay loại khí cầu ít người để có trọn vẹn khoảnh khắc đắt giá).
  • Trả giá? Với những agency tiếng tăm và chất lượng tốt, muốn book được một chỗ mình cũng phải ngồi ăn vạ cả tối thì nói chi đến chuyện trả giá :-/. Giá của lần mình bay là 180euro/ người, giá này khá đắt. Nghe đồn có người trả giá dc 150-170 euro/ lần, nhưng dù sao cũng nên tìm hiểu kĩ xem loại khí cầu bạn sẽ bay, mình thà trả mắc mà đáng còn hơn lên đó giá rẻ hơn mà phải chen lấn.
  • Khí cầu muốn bay thì trời phải không mưa, không gió, không mây mù. Mỗi sáng trong lúc ra trại tập trung bạn sẽ phải ngồi chờ lệnh bay, nếu chính quyền ko cho bay, thì bạn được hoàn tiền 100% và về (coi như được cho đi ăn sáng miễn phí). Ba sáng mình ở đó thì hết hai sáng bị hoãn bay, nên nếu bạn chỉ để một sáng ở Cappadocia thì khả năng ko bay được rất cao (đặc biệt mấy bạn đi tour).
  • Tuỳ vào hướng gió mỗi ngày mà điểm xuất phát và hành trình bay sẽ khác nhau. Phi công chỉ điều chỉnh được tầm cao và thấp của khí cầu dựa vào việc đốt nóng khí cầu, còn hướng bay phụ thuộc vào gió. Nói vậy không có nghĩa là phi công sẽ thả cho khí cầu bay đâu thì bay, họ có thể biết được thông tin ở độ cao nào thì gió mạnh hay yếu khác nhau mà lợi dụng đưa khí cầu đến điểm họ muốn.

Sau một ngày bị hoãn bay trong ê chề, sáng ngày hôm sau dù được dự báo là thời tiết còn tệ hơn hôm trước nhưng mình đã bất chấp ăn vạ được một chỗ bay. Trời còn tối thui lạnh buốt, đi ra ngồi vào trong chỗ tập kết ăn sáng uống đến tách trà thứ tư mà lòng mình như lửa đốt. Nghĩ mình đúng số nhọ, nhưng ko lẽ nhọ quài? Cả một trại gần trăm người xì xào và chờ đợi hi vọng từ cái màn hình tí tẹo chờ lệnh bay ngay giữa phòng.

Ngay khoảnh khắc dàn phi công chạy ra và hú lên tin mừng thì cả gian phòng vỡ oà ra như hồi U23 sút vô lưới, lòng mình cảm giác như quay về ngày biết tin đậu đại học ấy các cậu ạ. Rộn ràng, náo nhiệt, ai nấy hồ hởi lên xe theo tên của phi công mình sẽ bay để ra điểm xuất phát.

Cappadocia59

Điểm xuất phát được quyết định tuỳ mỗi ngày, miễn sao ở đầu con gió. Tụi mình được chở đi thiệt xa, từ trong chập choạng sáng trên con đồi đã thấy xa xa những khinh khí cầu chớp tắt như những con đom đóm.

Cappadocia60

Ngay tại khoảnh khắc chiếc khí cầu nhấc bổng lên khỏi mặt đất là một khoảng chênh vênh nhẹ, nhưng ngay sau đó một niềm hạnh phúc thật sự vỡ tung trong lòng mình. Thật sự, mình đã đến được chỗ này, làm cái điều mà xưa giờ chỉ nằm trên màn hình desktop máy tính.

Cappadocia63

Bình minh ngay lúc đó cũng vừa ló dạng khỏi triền núi, bắn thẳng một luồng khe sáng rực rỡ bao trùm lấy cả chiếc khí cầu, đốt sâu vào trong mống mắt và filter máy ảnh. Bọn mình đang được bay trong khe sáng đó, huy hoàng lúc đó không biết diễn tả sao cho hết.

Cappadocia62
Cappadocia13

Nhưng huy hoàng không ngồi chơi lâu, liền tay một ề mây khéo lựa chỗ đậu che ềnh lấy mặt trời. Cả thanh xuân lại chìm lại trong ảm đạm, mình ôm máy ảnh, tự nhủ trời ơi được bay là cả một hạnh phúc là cả một hạnh phúc Quốc ơi Quốc ơi =))

Cappadocia64
Cappadocia14
Cappadocia65

Mỗi ngày phải đến cả trăm khí cầu từ rất nhiều agency khác cùng bay. Hành trình bay hôm đó đi dọc theo Red valley và Rose valley. Từ Goreme nếu ngắm từ sân thượng sẽ thấy rất xa.

Cappadocia66
Cappadocia67
Cappadocia15

Bạn phi công rất kinh nghiệm và sỏi tiếng anh tám rằng bạn đã bay ở rất nhiều nơi từ châu Phi đến châu Á. Nhưng Cappadocia vẫn là nơi đẹp nhất. Ừa, tất cả những kiến tạo địa chất hùng vĩ, những cột đá độc đáo ở đây đẹp nhất khi nhìn từ góc chim bay. Bạn phi công nói thế rồi lại đốt một đoạn lửa thật lâu, đưa chiếc khí cầu bay thật cao, vượt qua cả dãy núi. Khoảnh khắc đó trời đã đầy sáng, không khí nóng lên làm ề mây lúc nãy cũng bay lên cao, tha cho mặt trời về lại sân khấu.

Cappadocia71

Đời em lại sáng tươi!

Cappadocia16
Cappadocia70
Cappadocia69
Cappadocia68

Điểm kết của ngày hôm đó là Çavuşin, một thành phố cổ trong vách đá, nay đã sụp lở khá nhiều và trở thành một thị trấn nhỏ làm nghề nông yên bình.

Từ đoạn đó phi công bắt đầu hạ độ cao để điều chỉnh cho khinh khí cầu ko bay quá xa mà bay gần về điểm hạ cánh. Một lần bay như thế này khoảng 45 phút, nhưng sáng hôm đó phi công hứng chí cho tụi mình bay những một tiếng.

Cappadocia72
Cappadocia74
Cappadocia76

Đầu tháng tư người người nhà nhà rủ nhau đi Nhật đi Hàn check in mười ngàn tấm hình hoa anh đào khác nhau. Mình đâm đó đi mùa xuân trên thung lũng đá tưởng đâu chỉ ngắm đá mọc thêm miếng hoa, ai dè đâu dân bên đây trồng hoa anh đào và bạch mai làm lương thực các cậu ạ…

Cappadocia78
Cappadocia2

Chỗ này còn ít, có những ngọn đồi ngợp trời hoa anh đào nở. Miên man là đẹp chỉ tiếc là không ai giúp mình diễn sâu.

Cappadocia3

Mà chắc chỉ có dân Châu Á mình phát cuồng với hoa xuân chứ người bên đây không ai đoái hoài dù ngoài đường trăm hoa đua nở. Nghe bảo họ để hoa thiệt khô trên cành, rồi thu hoạch ăn như một loại ngũ cốc.

Cappadocia79
Cappadocia80

Khí cầu được anh phi công điêu luyện cho bay là đà trên những mỏm đá, nhiều khi hú hồn chim én tưởng quẹt trúng là em lao vô như một trái bi to.

Cappadocia82

Nhưng không sao, bình ổn, và vẫn hú hồn nhưng vì đẹp.

Cappadocia84
Cappadocia126

Mình cũng ko rõ đây là Red hay Rose valley vì ranh giới hai bạn này cũng khó xác định, chỉ biết nói là đẹp. Bài sau mình sẽ kể chuyện đi ngang đây, mà kì này đi bộ.

Cappadocia86
Cappadocia127

Xa xa trên kia là ngọn núi cao nhứt xứ này, từ trên đó nghe bảo có một sunset view point coffee đẹp nức tiếng ngắm hết cả thung lũng đá. Nhưng muốn đi phải thuê xe máy đi chứ nếu đi bộ là ngắm hoàng hôn xong là lạc lối trong bóng tối luôn ấy.

Cappadocia87

Đây là toàn cảnh thị trấn Goreme nhìn từ lần bay cao cuối cùng trước khi đáp.

Cappadocia88
Cappadocia128

Chỗ đẹp đẹp này là trường lái xe ATV. Tới thuê một chiếc xe ATV chạy địa hình thế là tha hồ chạy vô những thung lũng và hẻm núi (dĩ nhiên có người đi kèm để chắc là bạn ko bay luôn khỏi vực).

Cappadocia90

Đáp!

Cappadocia93

Đáp rồi!

Cappadocia94

Ủa anh gì ơi em còn muốn bay tiếp…

Cappadocia95

Đáp xong được phát huân chương, uống rượu, tham gia làm xẹp khí cầu và xin tiền tips (cỡ 10%).

Cappadocia96

Hai, nếu không bay khinh khí cầu thì ta đi ngắm khí cầu bay.

Chuyện này thì đỡ tốn tiền nè. Ráng thức sớm, leo lên sân thượng hoặc viewpoint là cao nhất, chờ đến khi bình minh lên. Dĩ nhiên, bình minh luôn ở đó dù có mây che hay không, nhưng khí cầu thì hên xui tuỳ ngày, dù đúng ngày khí cầu bay cũng chưa chắc khí cầu bay gần chỗ các cậu đứng nhưng đừng vì thế mà rũ bỏ hi vọng xin cứ tràn đầy niềm tin vào cuộc sống…

Cappadocia97

Và cho dù nắng đẹp rồi, địa điểm hoàn hảo rồi, mình còn đối mặt với chuyện ko có ai chụp cho =)) Thay vì cảnh nườm nượp đông đúc như bên Sultan cave suites mình kể, thì bên Henna ngạc nhiên chưa ko một ai cả… Lưu ý là ai ở khách sạn nào thì leo lên sân thượng nhà đó nhé, họ có kiểm tra cả đấy.

Cappadocia11

View này mình vào là bá cháy nhỉ!! Mặc áo sơ mi linen đồ, mặt ngước nhìn xa xăm đồ…

Cappadocia98
Cappadocia12

Nhưng bù lại, bậc cửa sổ trong phòng ăn chất lừ đã tài trợ cho mình tấm hình này. Tuyệt vời!


– BUỔI SÁNG –

Đi khí cầu xong xuôi về tới khách sạn là cũng chỉ mới 7h30 sáng. Từ tốn dùng bữa sáng của khách sạn xong thì làm gì?


Một, mua tour trong ngày (dụ các cậu hoài nhưng mình thì hăm có đi). Ở đây có bán phổ biến nhất hai loại tour: Red tour và Green tour. Đi đông đông các cậu mua tour này đi cũng tiện, giá cỡ 35-50 euro tuỳ trả giá. Thường họ sẽ ghép đoàn đông, nếu muốn đi riêng thì giá cũng sẽ mắc điêng.

Red tour:

  • 9:30 sáng đón tại khách sạn
  • 10:30 sáng Devrent valley.
  • 11:30 sáng Pasabagi valley còn có tên là Thung lũng Monks
  • 12:00 trưa Avanos, tham quan 1 workshop để xem trình bày làm gốm trực tiếp (và mua gốm).
  • 1:00 trưa ăn trưa
  • 2:00 chiều Bảo tàng lịch sử ngoài trời Goreme
  • 3:00 chiều tham quan viewpoint gần Goreme để ngắm cảnh quan xinh đẹp của Cappadocia.
  • 4:00 chiều Lâu đài Uchisar
  • 5:00 chiều trả khách tại khách sạn.

Green tour:

  • 9:30 sáng đón tại khách sạn
  • 10:00 sáng Thành phố dưới lòng đất Derinkuyu
  • 12:00 trưa khám phá thung lũng Ihalra
  • 12:30 trưa đi 4km băng qua thung lũng Ihlara dọc Sông Melendiz
  • 1:30 trưa ăn trưa tại nhà hàng ở Sông Melendiz
  • 2:30 chiều Tu viện Selime
  • 4:00 chiều thung lũng Pigeon
  • 5:00 chiều trả khách ở khách sạn

Ngoài ra còn kha khá tour khác, nào là đi ngựa khám phá thung lũng, tour chạy xe ATV, tour xe jeep. Nếu ko dư thời gian thì mua 2 tour như trên cũng đủ cho các cậu tham quan gần hết Cappadocia.

Trong một diễn biến khác, bạn tiếp tân đáng yêu của khách sạn Henna đã không hề dụ bán một cái tour nào cho mình, mà còn khuyên mình thôi tự đi bộ đi, nguyên văn là “just go into the valley, get lost, have fun by yourself”.


Cho nên, Hai, just go into the valley, get lost, have fun by yourself. Đại khái là tự quẫy thôi. Tự quẫy thì bị hạn chế là không thể đi quá xa như thung lũng Ihalra hoặc thành phố ngầm được. Nhưng thây kệ, trông mình có vẻ khùng nhưng đọc tên blog mình là mấy bạn hiểu mình ko đam mê giao tiếp đi tour chung với người lạ, thế nên mình đã đi bộ một mình, qua các thung lũng.

Nếu các cậu tự đi như mình, sẽ hơi hoang mang khi thấy ở Cappadocia có quá nhiều thung lũng, đi nào bỏ nào? Mình cũng hoang mang theo nhưng sau mấy ngày đi mình nhận ra rằng chúng nó (lũ thung lũng) không có khác biệt nhau quá, nên lời khuyên hết sức tầm thường là đi được nhiêu hay nhiêu!

Đầu tiên, xin giới thiệu trail Pigeon valley – Uchisar castle:

Cứ men theo đường xanh từ Goreme đi vòng về phía Nam rồi móc ngược lên trên đến Uchisar castle. Sau đó từ Uchisar bắt bus về lại Goreme. Thời gian: khoảng 3 – 4 tiếng đi bộ.

Screen Shot 2019-08-28 at 12.37.46 AM

Điểm tuyệt vời nhất ở con đường này là mình hoàn toàn đi một mình băng qua những cánh đồng trồng hoa anh đào và mai trắng. Đây đó có nông dân, và có vài chiếc xe jeep chạy ngang ẹt khói vô mặt các cậu. Nhưng trải nghiệm mang lại là rất tự do và yên bình.

Cappadocia27

Đây là sáng hôm đầu tiên mình bị huỷ kèo khí cầu. Trời hôm đó u ám, bi đát như khuôn mặt bị bãi kèo của mình, đã thế còn gió thổi lạnh buốt.

Cappadocia28

Từ Goreme các cậu cứ đi thẳng về Sultan cave suites và đi lên cao hơn nữa, hơn nữa… Cho đến khi các cậu thấy không còn ai quanh mình, là các cậu đi đúng đường rồi đấy…

Cappadocia29
Cappadocia30
Cappadocia31

Mình vừa đi vừa nghe nhạc, rên la, múa hát, chụp hình, lạc lối, la hét, insta story các kiểu mà cũng ma nào quan tâm. Hoa anh đào hoa mai mọc dại bên đường và trồng thành luống trên các ngọn đồi thoai thoải nhìn cù bất cù bơ cũng ko một ai buồn ghé lại check in.

Cappadocia32

Kìa, xa xa là lâu đài Uchisar. Khoảng cách giữa chúng tớ là nguyên cái vực núi của thung lũng Pigeon.

Cappadocia33

Mình cứ đi mãi, đi mãi, đi đến một đoạn thấy hoang mang sao không ai đi chung cả đoạn đường… hay là bị tiếp tân lừa, thì thấy bao la cả cánh đồng hoa anh đào. Chỉ tiếc là trời u ám ko nắng, không là đẹp tung trời.

Cappadocia34

Đi mãi thì cũng đến điểm vào Pigeon valley. Thung lũng chim bồ câu đặc biệt là vì có rất nhiều chim bồ câu sinh sống. Nó bắt nguồn từ tập quán chăn nuôi chim bồ câu ở đây ngày xưa. Khắp nơi ở Cappadocia bạn sẽ tìm thấy những ô vuông nhỏ đào vào trong vách đá, thậm chí đào vào trong hang và những cột đá, thật ra đó là nhà cho chim bồ câu (dovecotes), một hình thức chăn nuôi sơ khai để lấy thịt, trứng và phân bón (đặc biệt là phân bón vì đất ở đây hơi khô cằn).

Cappadocia35
Cappadocia37
Cappadocia4

Từ những ngôi nhà đó, đôi khi người ta sơn trắng những ô vuông nhỏ vì tin rằng chim bồ câu sẽ nhận biết và quay về, cao hơn người ta trang trí nó bằng những bức vẽ, điêu khắc sâu vào trong thành đá tạo thành những bức vẽ Islamic trong thời kì tín ngưỡng Hồi Giáo lên ngôi.

Hồi mới đầu đi mình không biết, cứ thấy các ô vuông liên tục nhau đục sâu vào vách đá thì cứ nghĩ là người đục làm kệ bếp :)) thật ra mỗi một ô là một chiếc tổ cho chim bồ câu. Khi đi các cậu mạnh dạn đi xuống, lần theo những con đường có thể tham quan những ngôi nhà bằng đá hồi xưa.

Cappadocia39

Cung điện Uchisar là điểm cao nhất trong khu vực và từng là ngôi nhà cho 1000 người dân, pháo đài quan sát khu vực xung quanh chống lại ngoại xâm. Từ cung điện có rất nhiều phòng và hành lang dẫn xuống đáy của thung lũng bồ câu bên dưới. Vé vào cửa khoảng 10 libra, bằng ly nước ép lựu bán kế bên cổng. Từ cổng vào lên tới đỉnh lâu đài là một đoạn đi dốc, nhưng lên tới nơi có thể ngắm nhìn hết toàn bộ khu vực xung quanh với hằng hà xa số những cột đá và thung lũng trải dài.

Cappadocia40

Nhưng đời chỉ đẹp khi có nắng…

Cappadocia41

Hai tiếng trước mình có mải miết mông muội trong những con đường ở bên kia :)) leo lên đây mới thấy đoạn đường mình xa thật sự. Xong xuôi thì bắt xe bus về Goreme, chỉ nửa tiếng một chuyến đi 10 phút giá chỉ 3 libra.

Nếu các cậu thấy chặng đường đi bộ mình kể không có gì vui, thì hãy quay lại mục một, mình đã dụ các cậu mua tour mừ :)) Còn nhiều trail nữa nhưng mình để kể ở bài sau nhé.


– BUỔI TRƯA –

Buổi trưa nếu đang không trong tour Red hay Green thì các cậu tha thẩn đi vòng vòng ngắm Goreme.

Viewpoint mình sẽ kể sau, cà phê quán ăn đồ lưu niệm thì khá nhiều không kể. Chỉ riêng hai chỗ này cần review:

Một, Galerie Ikman. Tiệm bán thảm. Một trong điểm sống ảo nổi tiếng nhất Cappadocia.

Cappadocia43

Nhìn từ ven đường thì trông cũng bình thường, nhưng bên trong là muôn vàn chiếc thảm được xếp đặt trông mê đắm lòng người. Tám triệu tấm hình instagram được chụp ở đây với cái giá cũng hông rẻ: 50 libra cho một lần vào chụp hình (ko mua) và nếu muốn ông chủ chụp cho thì trả thêm 50 libra nữa. Đây là một cửa hàng bán thảm, nhưng số lượng du khách vào chụp hình xong đi ra không mua đã từ từ biến nơi đây thêm dịch vụ chụp hình sống ảo. Giá không rẻ nhưng ai cũng phải sống mà.

Screen Shot 2019-08-28 at 2.45.44 PM

Này là hình trên mạng, mình keo nên chả có tấm hình nào ở đây cả 😛

Hai, nhà hàng the best in town chắc chắn phải là Sedef.

Cappadocia99

Nhà hàng này bán món truyền thống Anatolia. Một course cũng cỡ 40-50 libra tuy nhiên siêu siêu ngon các cậu ạ. Hầu hết các ngày ở đây mình ăn ở đây cả, đến mức nhân viên quen mặt xếp chỗ đẹp cho mình luôn (mình có thử các nhà hàng khác nhưng ko mê bằng, thậm chí các nhà hàng món Hàn món Trug Quốc còn hơi thảm hoạ).

Cappadocia42

Món kebab nấu trong chum đất bọc bánh mì là món đặc sản ở đây. Bò hoặc gà nướng trong chum còn nguyên, khi được phục vụ nhân viên sẽ dùng dao đập bể nắp cái chum đất để lộ ra phần thịt kebab nóng hổi bên trong. Ngoài main course họ còn phục vụ kèm khai vị bò tartare ăn với bánh mì và sốt yogurt ngon điêngggg. Ngoài ra món tráng miệng bánh pudding gạo ở đây cũng bá cháy.

Cappadocia100

Thôi tạm thời là vậy đi, bài đã quá dài, đọc tiếp phần kế ở đây, giờ mình chuẩn bị vali đi chơi trước đã :))

5 Replies to “Turkey P.3: Cappadocia”

  1. trời ơi Quốc ơi, cậu mô tả làm tớ nghĩ là tớ đã tới Cappadocia luôn rồi! Và trời ơi hình thì đẹp bá cháy!
    Tớ cũng thích mấy câu chuyện bên lề cậu kể về cảnh vật trên đường đi nữa. Cậu có khiếu kể chuyện lắm đấy, cậu biết không!
    Hãy cùng làm một chuyến đi Quốc ơi. Tớ sẽ đu bám, follow blog cậu đến chừng nào cậu ừ thì thôi, hahaha.

    Like

      1. Ơ thế cậu rủ tớ đi Phi à?
        Tớ chưa có kế hoạch gì cả nhưng nể cậu tớ đi đấy =)))))

        Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: