Hồi còn ngồi rong ruổi trên mấy chặng đường dài của Ladakh, đôi khi mình phát bực bản thân vì tự dưng đâm đầu đi du lịch cái nơi gì mệt quá sức, nhức đầu quá sức, đi bộ xíu là thở không ra hơi, lên đèo cao chút là thiếu điều leo cáng cứu thương chở về. Vậy mà trăm lần mất dạy là về sẽ nhớ. Nhưng nhớ nhất chắc vẫn là cảm giác mỗi ngày thức dậy thấy cuộc sống của mình thiệt đơn giản. Chỉ phải nghĩ mỗi việc hôm nay đi đâu, ăn gì, ngủ ở đâu và mấy việc lăng xăng tủn mủn như chạy qua phòng bên mượn máy sấy tóc (cho tóc đẹp dễ bề lên hình), kem đánh răng, bôi kem chống nắng, lén lén đi tè sau cục đá và nghĩ đến sẽ mở gì sau bài nhạc đang nghe cho hợp mood đường đi. Mấy thứ lằng nhằng ở Sài Gòn cách tới 6000 cây số, nghĩ đến mà thấy hả dạ hết sức. Mục tiêu hạn hẹp làm cuộc sống đơn giản, hén ?

Sáng hôm đó là một sáng cũng thiệt đơn giản như thế, mình thức sớm ăn sáng xong leo lên xe nghĩ về hồ Pangong. Trời vẫn đẹp, nắng vẫn trong, không khí hít vô là thấy trong lành hết cả hai lá phổi, quan trọng nữa là đầu chưa nhức.

IMG_6720 IMG_6705

Để đến hồ Pangong ( nghĩa là hồ của thảo nguyên cao), xe sẽ chở bạn đi về phía Nam theo đường cao tốc Leh-Manali, xong sẽ rẽ trái ở gần tu viện Hemis, đi thẳng về biên giới Ấn Độ Trung Quốc. Đoạn đường không hề gần, 147 km, khoảng 5 tiếng chỉ để di chuyển, băng qua những con đèo dốc hết sức kịch tính, trong đó có Chang La Pass ( nghĩa là con đèo của phía Nam), con đèo tự nhận đèo xe chạy được cao thứ hai thế giới (con ngựa leo đèo Mã Pí Lèng hộc hơi chết năm nào được đặt thành tên đèo mà qua đây chắc trước hết sẽ hộc hơi chết ở chân đèo vì sốc độ cao). Tất cả những chứng nhận này hầu hết tự nhận, chưa con đèo nào buồn cạnh tranh, nên chỉ lấy làm thông tin cho vui vậy hén :))

IMG_6727

Đây là tu viện Hemis, một trong những tu viện nổi tiếng nhất. Như bài trước mình đề cập, tu viện Diskit ở thung lũng Nubra là một chi phụ của tu viện Hemis. Cùng với tu viện Thiksey, Hemis là một trong những tu viện phải viếng thăm của Ladakh. Đừng như tụi mình, lèng èng sao đó bỏ qua luôn.

IMG_6733

IMG_6738 IMG_6746

IMG_6752

Từ tu viện Hemis, xe rẽ trái lên đèo Chang La, đường dốc khuỷu tay kiểu loại tay của ng khổng lồ, nhìn hình là biết. Nếu lỡ có trượt ra khỏi con đường mà nhựa đường đã lâu rồi không còn là thứ ở dưới bánh xe, thì xe chắc sẽ lăn vòng tròn, và lăn hơi lâu, mới chạm tới dưới thung lũng. Con đèo này mùa đông là cũng khỏi đi, vì tuyết phủ hết, và cũng có lẽ vì nó nguy hiểm nhất bọn trong các con đèo của Ladakh nên dọc đường đi, có hàng nghìn cột cây số thay vì ghi cây số thì ghi những lời động viên, thủ thỉ, tâm tình, cảnh tỉnh, đe doạ, thậm chí đơn giản là caption so deep với nhiều ý nghĩa khác nhau. Ví dụ :
SIGNBOARD

Thành ra ngoài niềm vui ngắm cảnh và chụp hình, cả đám còn thêm niềm vui canh cột cây số và tâm đắc từng câu viết trên đó. Nhất là chị cả làm nghề copy writer. Thiết nghĩ copy writer vùng này yêu nghề hết sức, không câu nào giống câu nào nhé, chơi chữ, chơi vần các thứ đủ cả =]]. Có chút ngán ngược khi nhớ đến cái bảng ĐCSVN muôn năm ko ai buồn đọc nơi nước nhà xa xôi…

IMG_6762

IMG_6775

Đường bắt đầu có tuyết vì lên khá cao, trên 5000m rồi. Có bạn bò Yak xuất hiện, từ hồi qua đây tới giờ mới gặp một bạn ở cự ly gần dữ thế này. Nói chung ấn tượng đầu thấy giống cái đồ lau nhà siêu bự, bự vậy nhưng e thẹn lắm, mới chụp xíu là bỏ chạy.

IMG_6781 IMG_6783

IMG_6793 IMG_6795

IMG_6800

Ở đây là đỉnh đèo Chang La nè. Lạnh ná thở. Ghé vô uống ly trà chai tea nóng mà tay run muốn rớt ly, ra tè trong cái nhà tè nghìn năm không dội xong nghe đồn hai thằng đi chung phải dùng nhíp lận ra, cũng khổ.

IMG_6814

IMG_6826 IMG_6838

Bò Yak ở xứ này người ta nuôi lấy sữa để uống, làm bơ, làm chất đốt. Ngoài ra cùng với cừu và dê, ng ta còn lấy lông làm lụa làm nên lụa Kashmir danh bất hư truyền bá đạo nghìn năm. Không ai ăn hết xin nhắc lại đừng vô quán kiu nồi bò Yak nhúng dấm nhe, dù thèm cấp mấy.

Đi song song với con đường sau khi xuống đèo là sông Pagal Naala hay còn gọi là “The Crazy Stream”, nhìn cũng khá đẹp, hai bên bờ cỏ phủ như trong công viên Đầm Sen.

IMG_6854 IMG_6866

Con chuột mập này (hay gọi sóc mập cũng hợp miễn có chữ mập), tên tiếng anh là Marmot, sống ở vùng cao trên dãy Himalaya, là loài đặc hữu chỉ tìm thấy ở đây. Siêu mập, siêu dạn, dễ thương lắm. Tụi này sống trong mấy cái hang như trong hình, ở gần vùng có cỏ có sông. Trên mạng thậm chí có clip người ta cho nó ăn nhưng ko hề chạy. Tụi mình hên sao gặp được một em, bự bằng con mèo nhà, nằm chình ình phơi nắng, chụp cỡ nào cũng không buồn động đậy. Em này nằm trong chuỗi thức ăn của báo tuyết Hi Mã Lạp Sơn, nên quên đi việc cắm trại quanh bầy chuột mập đi nhe.

Tấm này trên wiki, thấy cưng quá nên chôm về =))

IMG_6885

Vượt qua địa bàn của tụi chuột mập là thấy sông mở dòng rộng ra, ở dưới bờ trắng trắng như tuyết, thật ra là muối. Hồ Pangong đã ở trước mặt, đầu nguồn dòng sông, thoáng thấy xa xa đã khiến nhỏ điên ngồi sau thét lên, vì xanh hết hồn.

IMG_6899

IMG_6900

Phản ứng đầu tiên là hú hét, tiếp theo là chụp hình điên dại, hệ luỵ tiếp theo là chạy lẹt bẹt tới bờ hồ, quên mất vụ AMS tránh vận động mạnh. Khi đến được bờ hồ đẹp té xỉu là bắt đầu đòi xỉu lên xỉu xuống vì đẹp, xong bắt đầu nhảy lên nhảy xuống, tạo những dáng khác nhau, chạy tới chạy lui. Kết quả cuối cùng là lúc rời khỏi hồ ai cũng nhức đầu. Mình bị nặng nhất =)) Nói chung, ngoài lời khuyên nên mang kính đen vì ở đây chói kinh hoàng, thì chúc các bạn kiềm chế cơn tăng động thành công trước siêu sắc đẹp của hồ Pangong.

IMG_6908
IMG_6902

IMG_6914 IMG_6927

IMG_6930 IMG_6953

IMG_6968 IMG_6999

Hồ Pangong dài 134km, diện tích 604 km vuông, trải dài từ Tây Tạng sang Ấn Độ, trong đó 60% diện tích thuộc về Trung Quốc. Đây là hồ nước mặn, trong hồ không có cá, không có động vật thuỷ sinh trừ động vật giáp xác cỡ nhỏ (như con tép siêu nhỏ). Tuy nhiên, trên mặt hồ lại rất nhiều chim, từ vịt trời đến con mòng, được nuôi sống bởi rong tảo mọc trong hồ. Đây là khu vực được bảo tồn do hệ động thực vật độc đáo và quan trọng trong vùng, cũng được bảo vệ nghiêm ngặt vì biên giới nóng bỏng cò kè bớt một thêm hai ko ưa quăng lựu đạn giữa Ấn và Trung Quốc, bởi vậy quân đội ở đây rất nhiều.

Mùa đông, mặt hồ đóng băng hoàn toàn, lạnh cóng, chim di cư hết, tạo thành con đường băng bằng phẳng dẫn từ Tây Tạng đến Ladakh. Cũng bởi vì thế, 1950, sau khi Tây Tạng bị Trung Quốc chiếm đóng, Dalai Lama cùng 80000 người Tạng đã lưu vong khỏi đất nước mình bằng chính con đường này, đến Bắc Ấn, tạo ra một Lhasa thu nhỏ. Dù vậy, vào thời điểm đó, chính quyền Ấn Độ lãnh đạm với đoàn người di cư. Và Dalai Lama thứ 14 đã lưu vong đến tận ngày nay, Tây Tạng vẫn bị đe doạ đồng hoá bởi người Trung Quốc, mới đây là Larung Gar trường học Phật giáo Tây Tạng đã bị Trung Quốc san bằng, công lý có lẽ còn xa lắm mới hiện hữu ở khắp nơi trên thế giới này.

Những câu chuyện về Dalai Lama 14 mình tìm hiểu khá nhiều, nhưng để kể thì thôi để dành một ngày nào đó mình lỡ được đi Tây Tạng, mình để dành kể sau vậy. 😀 Quay trở lại mặt hồ trong veo xanh cháy ống kính Canon lúc bấy giờ, thì đây cũng là nơi quay phim Three Idiots của Ấn, hồ này nổi tiếng khắp thế giới cũng nhờ bộ phim này, chứ không phải vì câu chuyện buồn lịch sử năm nào. Vì tất cả những điều trên cùng vẻ đẹp áp đảo của Pangong, thì hồ này đúng là điểm must visit của Ladakh trong lần viếng thăm đầu tiên, còn nếu có dịp ghé lần sau, có thể xem xét hồ Tso Moriri cũng đẹp không kém.

IMG_7020 Ở đây có mấy túp lều bán đồ ăn, cũng phong phú sự lựa chọn, y chang cái menu đi đâu cũng gặp ở Ladakh ăn ngán chết bữa giờ :))))) Tuy nhiên phải nói là ở đây toilet sạch bất ngờ, và điểm cạnh tranh giữa các quán không phải vì món ăn, mà là vì toilet giật nước. Cạnh tranh đến mức cái bảng “Ở đây có toilet giật nước” còn bự hơn món ăn haha

Đồ ăn thì miễn bàn, vẫn nhiêu đó vị cà ri cùng đậu và rau củ, khẩu phần siêu to, có thể gọi một dĩa và ăn hai người cho bớt ngán và cuối cùng sự cứu rỗi kì diệu trong ngày thuộc về cá mòi ba cô gái.  IMG_7035

Không phải ai tới đây cũng hên, có khi mây che hết là nước hồ nghỉ.. xanh  chuyển xám. Nói chung chuyến này tụi mình bao hên !

IMG_7049

Đây tạm gọi tiếng việt là mộ đá, tiếng anh là Tibet cairn. Mọi người vẫn đặt để nó như một nghi thức để cầu nguyện, giúp lời cầu nguyện của mình đến với thần linh bằng cách cân bằng những khối đá lên nhau tạo thành chóp, càng cao càng vững càng tốt. Nhưng đi sâu tìm hiểu, thì mộ đá thật ra bắt nguồn từ việc ngàn xưa khi băng qua đỉnh đèo, người xưa sẽ đặt những viên đá tạo thành một dạng mini stupa ( tháp hình chóp) để cảm ơn những vị thần đã giúp họ an toàn trong suốt chuyến đi, và cũng như một lời chúc may mắn cho tất cả những du khách đi ngang qua mộ đá này.

Sâu xa kể ra là như vầy, nhưng đối với tụi mình lúc đó, đứng trước mặt hồ xanh thẳm bao la rợn ngợp như này, tụi mình chỉ muốn để lại một lời nguyện ước cho người thân và cả bản thân ở nơi tận cùng thế giới này. Mộ đá trên là của mình dựng lên, hi vọng nó sẽ nằm đó cho đến ngày mình quay trở lại 😀

IMG_7050

IMG_7061

Đi xa là thế, nhưng thời gian cho bạn ở đây chỉ được chừng 2 tiếng là phải quay về, vì tụi mình phải trở lại Leh ngay trong ngày. Nhưng nếu dư dả thời gian, bạn có thể chọn đi hồ trong hai ngày và cắm trại bên hồ/ hoặc ở nhà dân để được trải nghiệm bình mình và hoàng hôn trên hồ nhe, sẽ hơi lạnh đấy nhưng mình nghĩ là đáng.
IMG_7069

IMG_7070 IMG_7073

IMG_7078 IMG_7090

Đường về vẫn đẹp như thế, vẫn những bảng chỉ đường với đủ các nội dung. Trong lúc đang nhức đầu dữ dội sau buổi chơi hồ hơi quá sức, mình chụp được bảng này, hơi đại chúng nhưng nói chung cũng an ủi haha

IMG_7112

Về lại Leh trong buổi chiều vàng ươm, nắng khơi màu lá cây ửng sáng khỏi bóng xiên đổ dài trên thung lũng. Xe chạy bon bon trên quốc lộ trải nhựa mới cáu êm đềm như bản nhạc dạo cuối ngày, mình cũng thôi chụp hình và quay qua ngắm nhìn chiều đổ xuống đất trời núi đồi. Gió đã lạnh hơn trong buổi chiều nắng gần tắt. Ngày hôm sau, tụi mình sẽ rời Leh để đi Manali theo lịch bằng xe khách, nên trong buổi chiều cuối ở Ladakh, mọi người im lặng để nhìn thật lâu, thật kỹ.

Nhưng ai dè về đến nhà gặp lại Namgial để thanh toán chi phí các khoản, mình có nhờ đặt vé xe khách qua đây, thì rốt cuộc được ông thuyết phục là cái xe đó khủng khiếp lắm, nên thuê luôn một chiếc taxi. Bên lề một chút, là có hai loại xe khách, trước khi đi mình tìm hiểu khá kĩ, một loại cao cấp dành cho khách du lịch và loại bình thường dành cho dân địa phương. Loại cao cấp đến giờ đã nghỉ vì đã vào mùa thấp điểm nên chỉ còn loại bình thường, nhưng loại bình thường thì khá ghê và chật, quan trọng là .. hôi. Mình sẽ viết kĩ các thứ về di chuyển cho các bạn ở bài cuối. Nhưng tóm tắt đây để các bạn hiểu từ chuyện thuê xe, nó phát sinh ra vấn đề mới, mà theo Namgial, chặng đường của tụi bây là đã đi lòng vòng.

Câu chuyện này cần được lưu ý bởi những bạn muốn đi luôn Spiti valley giống tụi mình, còn nếu chỉ để đi Ladakh không thì các bạn có thể bỏ qua. Chuyện là trong lúc tìm hiểu mình không tìm thấy kinh nghiệm nào về chuyện từ Leh đi Spiti valley, cả Yama khi được hỏi về chuyện này cũng không thấy trả lời, nên mình đã lên plan hai ngày tiếp theo tụi mình sẽ di chuyển theo cao tốc Leh – Manali để đến Manali, và sau đó agency sẽ pick up tụi mình để đi đến Kaza ( Spiti valley). Nhưng thực tế đi thế là đi hơi lòng vòng, nhìn bản đồ dưới sẽ rõ. Một ngày đầu sẽ dùng để đi từ Leh đến Keylong, ngày hôm sau từ Keylong đến Manali qua đèo Rohtang La, rồi ngày thứ ba lại từ Manali vượt đèo Rohtang La lần nữa để đến Kaza. Ngã ba giữa Keylong, Manali và Kaza thấy có vẻ gần nhưng do đường đèo hiểm trở và xấu nên rất tốn thời gian.

Screen Shot 2016-12-25 at 10.13.28 PM

Nên, Namgial đã khuyên tụi mình nghỉ lại Leh một ngày, sau đó di chuyển ngày thứ hai xuống Zispa (gần Keylong) ngủ một đêm, gọi cho agency ở Spiti pick up tại Zispa và đi thẳng đến Kaza ngày thứ ba, như vậy sẽ tiết kiệm một ngày ngồi xe. Plan nghe khá khoa học, và thực tế nó cũng tiện nếu bạn đi giống tụi mình, nhưng vì chuyện này, dẫn đến phát sinh một số thứ ngoài tầm tay. Khách sạn đã book ở Manali cần được huỷ, agency Spiti Holiday adventure cần được thông báo chuyện pick up khác địa điểm, cần book thêm phòng ở Zispa và Leh. Nhưng vấn đề là chiều đó mạng internet toàn Leh vẫn sập, mạng điện thoại còn hoạt động nhưng chập chờn, tất cả liên lạc tụi mình vô phương thực hiện, chỉ có thể dựa vào Namgial cho tất cả chuyện kể trên. Namgial đã cố gắng giúp tụi mình khá nhiều, tụi mình cũng hiểu chuyện đó, nhưng tất cả quá trình trên (sau mấy tiếng chờ đợi bắt được cuộc gọi) đều phát sinh ra những chi phí không đáng như agency đòi thêm tiền, khách sạn đắt không đáng, chỗ ở không như ý. Tối đó rối nùi, trong lúc bọn bạn ra chợ trẫy hội, mình cùng chị cả ở lại giải quyết sự vụ đến tối vẫn chưa dàn xếp xong hết, tất cả sự phiền phức đến từ không có mạng internet.

Đến tận sáng hôm sau, mọi chuyện mới dàn xếp ổn thoã và tụi mình có thêm một ngày nghỉ ngơi dạo chơi quanh Leh. Nhưng phải dời khách sạn vì Sangto villa nếu không liên kết với Yama adventure trong nội dung tour thì đắt không ngờ, tụi mình đành dời đồ sang một khách sạn rẻ tiền hơn ở gần trung tâm theo sự sắp xếp của Namgial, mà cái gì mình không quán xuyết được thì dễ dẫn tới không vừa ý.

Nhưng thôi đó là chuyện của bài blog sau, còn quay lại tối hôm đó rốt cuộc mình được cho thở oxy để khoẻ hơn, và vẫn bực bội tại sao AMS lâu thế. Đến hôm sau mới khảm phá lí do tại sao….

7 Replies to “Northern India P.4 : Pangong Lake”

  1. Hello anh, em đang tuyển bạn đi Ladakh nên muốn xin anh 1 vài tấm ảnh để dụ khị bạn bè, em chỉ dùng trong post FB thôi và ghi nguồn rõ ràng, anh cho phép nhé!!

    Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: